Bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, trong đó chính sách BHXH, BHYT luôn có vị trí quan trọng bậc nhất. Tại Việt Nam, sự hình thành và lớn mạnh của BHXH Việt Nam đã tạo nên “bước ngoặt” lịch sử trong việc thực hiện các chế độ, chính sách…
Bước ngoặt…
Theo ông Hồ Tế- nguyên Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam, sự ra đời của ngành BHXH là một xu thế tất yếu, nhất là sau Đại hội VI của Đảng- khi chúng ta chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế mới. Chính phủ khi đó đã có chủ trương thành lập một tổ chức để chuyên thực hiện chế độ chính sách BHXH, dần dần trở thành một quỹ độc lập với NSNN. Bởi theo ông Tế, “lương không thể cứ lấy ngân sách trả mãi mà phải có đóng có hưởng dựa trên quỹ BHXH”. Từ năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã có quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ SDLĐ và NLĐ và được Nhà nước bảo hộ.
Hội nghị Trung ương 7 ban hành Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH
Năm 1995 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách BHXH, với việc triển khai thống nhất BHXH bắt buộc cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế và sự ra đời của tổ chức BHXH Việt Nam. Cụ thể, Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với CBVC nhà nước và NLĐ làm việc tại các DN. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP ngày 16/2/1995 thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH, thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật. Sự ra đời của ngành BHXH đã tạo môi trường thực hiện chính sách BHXH thống nhất giữa NLĐ làm việc ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thành phần kinh tế nào, thay vì chỉ “gói gọn” trong khối cơ quan nhà nước như trước đây.
Tiếp đó, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển BHYT Việt Nam (Bộ Y tế) sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, từ đây những bất cập, chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sự nghiệp đã từng bước được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và phù hợp với thông lệ thế giới.
Ngày 6/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, bãi bỏ các quy định trước đây về tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam và BHYT Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 3 cấp: ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
Khẳng định rõ vai trò trụ cột
25 năm hình thành và phát triển ngành BHXH cũng là 25 năm chính sách BHXH, BHYT dần được hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, không thể thay thế trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH). Tại điểm xuất phát, BHXH Việt Nam thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT trong điều kiện chưa có hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện điều chỉnh các lĩnh vực này. Cụ thể, cơ quan BHXH bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thu BHXH từ ngày 1/7/1995 theo hướng dẫn tại Thông tư số 58-TC/HCSN của Bộ Tài chính. Văn bản chủ đạo về chế độ, chính sách BHXH là Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với CNVC nhà nước và NLĐ làm việc tại các DN; Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ QĐND và CAND, các bộ phận làm công tác BHXH QĐND (sau này là BHXH Bộ Quốc phòng)… Chính sách BHYT cũng trải qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 ban hành Điều lệ BHYT. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với BHXH, BHYT được thể hiện rõ tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng độ bao phủ của BHXH, BHYT, với sự quan tâm, tác động ngày càng lớn của các chính sách này đến đời sống xã hội, các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này cũng dần được luật hóa. Ngày 29/6/2006, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 1/1/2008 với loại hình BHXH tự nguyện và từ 1/1/2009 với loại hình BH thất nghiệp. Tiếp đó, ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2009). Cả 2 luật này lần lượt được sửa đổi, bổ sung và ban hành vào năm 2014 (Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; Luật BHYT số 46/2014/QH13 được thông qua ngày 13/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015).
Quan điểm của Đảng về chính sách BHXH, BHYT cũng dần hoàn thiện qua từng thời kỳ. Ngày 26/5/1997, Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH được ban hành, là văn bản đầu tiên của Đảng chỉ đạo cụ thể về BHXH. Chỉ thị nêu rõ: “BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho NLĐ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc”.
Quan điểm này tiếp tục được kế thừa và thể hiện rõ nét hơn trong Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết khẳng định: “BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội”.
Đến Hội nghị Trung ương 7 khoá XII, vai trò của BHXH được hoàn thiện một cách toàn diện, trước bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng và trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết cũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với thực hiện chính sách BHXH: “Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, DN và của mỗi người dân”…
Nhiều dư địa mở rộng diện bao phủ
Song hành với sự đổi mới về chính sách là sự lớn mạnh của ngành BHXH, nói cách khác là sự khẳng định tầm ảnh hưởng của chính sách BHXH, BHYT đến đời sống nhân dân, nền tảng ASXH quốc gia. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước.
Việc Trung ương ban hành các Nghị quyết về BHXH đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia BHXH thì đến hết năm 2006 (năm đầu tiên triển khai Luật BHXH) đã có 6,7 triệu người tham gia và đến hết năm 2019 tăng lên 15,76 triệu người. Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, mới chỉ có hơn 6.000 người tham gia thì đến cuối năm 2019, số người tham gia đã tăng lên hơn 570.000 người (tăng gần 100 lần). Số người tham gia BH thất nghiệp cũng tăng nhanh từ 5,9 triệu người trong năm đầu tiên triển khai chính sách (năm 2009) lên 13,4 triệu người vào cuối năm 2019.
Đặc biệt, đến hết năm 2019, số người và tỉ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao với trên 85,4 triệu người tham gia, tương ứng với tỉ lệ bao phủ gần 90% dân số, tăng khoảng 70 triệu người so với năm 2003 (năm mà chức năng thực hiện chính sách BHYT chuyển sang cho BHXH Việt Nam).
Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT cũng liên tục tăng theo thời gian. Năm 2019, tổng số thu toàn Ngành đạt gần 368.000 tỉ đồng, tăng hàng trăm lần so với năm 1995. Mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn NLĐ, hàng chục triệu người dân được bảo vệ thông qua các chế độ BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh, tạo sự an toàn, ổn định xã hội, tiến tới mục tiêu công bằng xã hội, quyền lợi của nhân dân và NLĐ luôn được đảm bảo và thực hiện ngày càng tốt hơn.
Đáng ghi nhận, đó là số lượng NLĐ được thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT cũng đạt con số ấn tượng, tạo nên một “lưới ASXH” vững chắc, làm tiền đề ổn định cho sự phát triển của đất nước. Trong 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH (chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức-phục hồi sức khỏe). Cũng với gần 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có gần 5 triệu lượt NLĐ thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp; có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 đến 2018, ngành BHXH và ngành Y tế đã phối hợp đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người KCB BHYT; bình quân hiện nay mỗi năm có trên 150 triệu lượt người được thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, quyết tâm của Đảng và Nhà nước thông qua hàng loạt văn bản chỉ đạo, hệ thống văn bản pháp luật được ban hành thời gian qua đã tạo ra cơ hội lớn, để ngành BHXH bứt phá trong phát triển đối tượng tham gia và mở rộng diện bao phủ BHXH. Đồng thời, khẳng định được vai trò và vị thế của ngành BHXH trong việc đảm bảo ASXH quốc gia.
Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Riêng về BHYT, Đảng và Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 toàn quốc có trên 90% người dân tham gia BHYT.
Với những thành tựu đã đạt được, BHXH Việt Nam cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Đó là việc thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị- yếu tố có vai trò quyết định trong việc đảm bảo ASXH nói chung và thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Đó chính là việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ, tổng thể; đồng thời đảm bảo hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH, BHYT.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Ngành BHXH cũng cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia, tạo sự hài lòng đối với đơn vị, người dân. Có như vậy, mới thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội tích cực tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là chú trọng thanh tra, kiểm tra những đơn vị SDLĐ nợ đọng, trốn đóng BHXH; quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí; giải quyết và chi trả kịp thời, đúng quy định các chế độ BHXH, BHYT; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CCVC; chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc từ hành chính sang phục vụ- coi đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa hệ thống BHXH...
Thái An