Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo chương trình mới.
Danh mục này bao gồm 44 đầu sách giáo khoa của 6 đơn vị: Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà Xuất bản Đại học Vinh, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Đại học Huế, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Danh mục sách giáo khoa lớp 4 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt như sau:
Theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2023- 2024, học sinh lớp 4 trên cả nước sẽ học sách giáo khoa mới. Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD-ĐT quy định: UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Căn cứ danh mục này, các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để triển khai Chương trình phổ thông 2018 áp dụng cho lớp 4 từ năm học 2023-2024.
Được biết, Chương trình phổ thông 2018 được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2)). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Theo Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới đã đáp ứng các yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn. Đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
T.Hà