Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách và sửa đổi Luật BHXH 2014. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Về phía BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn; cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhất qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhìn chung các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. “Kết quả tổ chức thực hiện BHXH đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá tích cực, thể hiện rõ qua sự phát triển trong các năm gần đây về số thu, số người tham gia, đặc biệt là số BHXH tự nguyện đã tăng gấp khoảng 7 lần; việc giảm chậm đóng, trốn đóng BHXH có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Bên cạnh đó là các kết quả về ứng dụng CNTT, cải cách TTHC có dấu ấn nhất định; quyền lợi BHXH của NLĐ luôn được đảm bảo tốt hơn. Hệ thống tổ chức cơ quan BHXH tiếp tục được đảm bảo ổn định, phát huy vai trò, hiệu quả tích cực”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc
Dù vậy, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực tiễn thực hiện chính sách BHXH vẫn còn những hạn chế nhất định, nguyên nhân có thể do các yếu tố khách quan như bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc do các vướng mắc từ cơ chế, chính sách. “Phải có giải pháp để khắc phục những hạn chế này ngay trong năm 2023; đồng thời xây dựng, hoàn thiện các quy định khi sửa đổi Luật BHXH, đảm bảo phát triển bền vững hơn”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Báo cáo về một số nội dung đang được dư luận quan tâm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cũng đưa ra các đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại. Theo đó, về vấn đề tham gia BHXH của các chủ hộ kinh doanh cá thể, theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, đây là việc xuất phát từ nhu cầu được đảm bảo an sinh xã hội trong thực tiễn, đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra trong quá trình nỗ lực để đạt các mục tiêu phát triển người tham gia BHXH tại địa phương. "BHXH Việt Nam đề nghị công nhận thời gian đã đóng là cơ sở để cộng nối thời gian tham gia khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua"- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề xuất.
Về tình trạng mượn hồ sơ để ký HĐLĐ, cơ quan BHXH cũng đã cố gắng phối hợp cùng các bên để xử lý. Tuy nhiên, thực tế đang phát sinh một số trường hợp khó, cơ quan Tòa án không thể ra quyết định (do không liên lạc được với NLĐ, không có xác minh từ phía chủ SDLĐ...). Do đó, đề nghị có chỉ đạo để Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở các quy định của pháp luật và yêu cầu tình hình thực tế.
Cho ý kiến về các nội dung đề xuất của BHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định, hai bên luôn phối hợp chặt chẽ, qua đó cơ bản đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn. Tới đây, các bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chi tiết các vấn đề còn tồn tại để có hướng xử lý tốt nhất. “Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, sẽ tiếp thu các đề xuất của BHXH Việt Nam”- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nêu rõ.
Sửa Luật BHXH đảm bảo phù hợp với thực tiễn
Tại buổi làm việc, BHXH Việt Nam cũng đưa ra các đề xuất sửa đổi Luật BHXH. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đánh giá các nội dung mới trong dự thảo sửa đổi có nhiều điểm tích cực, chú trọng nâng cao hơn quyền lợi hưởng cho NLĐ. Đáng chú ý, các nội dung tổng kết, đánh giá thực hiện Luật BHXHX cũng đã khẳng định rõ nỗ lực, cố gắng của cơ quan BHXH trong công tác giảm số chậm đóng, tăng cường thanh tra, kiểm tra... Dù vậy, thực tiễn công tác tổ chức thực hiện BHXH, nhất là thu, phát triển đối tượng chịu tác động từ các yếu tố khách quan, do tình hình kinh tế vĩ mô và nhất là dịch bệnh Covid-19. Do vậy, cần đánh giá tác động để nhìn nhận rõ hơn tốc độ phát triển BHXH trong giai đoạn vừa qua.
Tại buổi làm việc, BHXH Việt Nam đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của Luật BHXH
Cũng theo quan điểm của BHXH Việt Nam, việc xây dựng quy định về hệ thống BHXH đa tầng là cần thiết, phù hợp với định hướng của Đảng về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, trên cơ sở các phân tích, đánh giá, dự báo tác động thực tế, cần đưa ra các quy định cụ thể hơn. Một mặt đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các tầng, chú trọng nguyên tắc đóng-hưởng, đồng thời có định hướng hướng tăng cường hỗ trợ người dân tham gia BHXH từ NSNN.
Về nhóm đối tượng đóng, cơ bản đồng ý với các nhóm được bổ sung diện đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng cho rằng, với tình hình phát triển kinh tế-xã hội như hiện nay, thị trường lao động có xu hướng biến động nhanh, dễ phát sinh thêm các nhóm đối tượng mới. Do đó, nên quy định theo hướng linh hoạt, có độ mở, qua đó dễ điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Về hạch toán số thu vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH, đề nghị có quy định về thứ tự ưu tiên phân bổ số thu được. Đây là yêu cầu để đảm bảo phù hợp với tình hình thu BHXH tại các đơn vị SDLĐ hiện nay.
Trách nhiệm của cơ quan BHXH trong quản lý đối tượng tham gia BHXH (bao gồm cả đối tượng đang tham gia và tiềm năng tham gia) cũng được nêu rõ trong dự thảo sửa đổi luật. Để đảm bảo tính thực tiễn, cần bổ sung quy định về các công cụ hỗ trợ, cho phép kết nối, khai thác sử dụng dữ liệu từ các đơn vị liên quan về dân cư, lao động, thuế... Ngoài ra, cần bổ sung trách nhiệm kê khai của đơn vị SDLĐ trong việc đóng nộp BHXH, tăng tính trách nhiệm bắt buộc, ý thức chủ động chấp hành của chủ SDLĐ, qua đó tạo thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT, cải cách TTHC. Riêng cơ quan BHXH sẽ đóng vai trò hậu kiểm, kiểm soát, xác minh các dữ liệu, thông tin kê khai.
Với các đơn vị giải thể, chủ bỏ trốn, đề nghị bổ sung quy định để thực hiện việc dừng đóng, khoanh số chậm đóng, lãi chậm nộp BHXH, qua đó hạn chế phát sinh số nợ ảo. Đề nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan BHXH thực hiện thu hồi với một số trường hợp hưởng sai quy định; đồng thời thể chế rõ hơn trong luật về ủy quyền thu BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam còn đề xuất được thanh tra chuyên ngành trong thanh toán hưởng các chế độ BHXH. Bởi, thực tiễn đang phát sinh các trường hợp cố tình trục lợi quỹ BHXH, do đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa kịp thời các hành vi cố tình vi phạm, để bảo đảm công bằng và tổ chức thực hiện các chế độ BHXH hiệu quả hơn.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh báo cáo tại buổi làm việc
Liên quan những vấn đề này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ hơn các nội dung, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH để xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHXH bảo đảm tính khoa học, thực tiễn.
Đảm bảo để NLĐ sau này có lương hưu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đề xuất của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở này, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện các phương án với từng vấn đề cần sửa đổi trong Luật BHXH.
Trước mắt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị BHXH Việt Nam cần tập trung vào 6 nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, BHXH Việt Nam phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung cao độ để nghiên cứu, nhận diện rõ các vấn đề còn vướng mắc và đề xuất sửa đổi trong Luật BHXH. Đây là thời điểm quan trọng. BHXH Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ cùng với ban soạn thảo, Vụ Pháp chế của Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện dự thảo Luật. Tập trung vào các các định hướng quan trọng như: Mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc đến các nhóm đối tượng có phát sinh quan hệ lao động; khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện tiến tới BHXH toàn dân. “Cần đảm bảo để NLĐ khi về già phải có lương hưu, dù ít cũng quý”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải khẩn trương khắc phục ngay các vấn đề liên quan đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng, hưởng BHXH một lần cũng như các hành vi trục lợi BHXH. Tiếp tục đảm bảo an toàn, hiệu quả công tác đầu tư quỹ; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL về BHXH, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư... Đồng thời, chủ động thống kê, báo cáo đánh giá tác động để đề xuất phương án giải quyết dứt điểm với chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc và các trường hợp thu-chi còn vướng mắc; rà soát các nội dung bất cập, phát sinh khác để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ cũng như đề xuất sửa đổi Luật. “Yêu cầu cơ quan BHXH địa phương chủ động phối hợp để thực hiện khởi tố các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, qua đó tăng cường tính răn đe, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Về định hưởng nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng cho rằng, với các vấn đề đang ổn định, hoạt động nền nếp, hiệu quả thì không cần thay đổi; mà cần tập trung xây dựng các điểm mới, bổ sung, khắc phục các hạn chế. Trong đó, chú trọng đến các quy định để mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đặc biệt, phải có tư duy mới trong xây dựng quy định về phạm vi đối tượng tượng thuộc diện tham gia.
Riêng về BHXH một lần, cần phân tích kỹ các đặc điểm liên quan đến nhóm tuổi, giới tính, đặc điểm vùng miền… Trên cơ sở đó, xây dựng phương án sửa đổi theo hướng tôn trọng, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ; đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của NLĐ về vai trò, hiệu quả thiết thực của chính sách BHXH. "Vấn đề càng khó thì càng phải bình tĩnh để nghiên cứu, phối hợp tìm phương án xử lý và càng phải bám sát định hướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước; từ đó đi đến sự đồng thuận trong xây dựng chính sách và truyền thông chính sách"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Minh Đức