Các tranh chấp phát sinh đối với quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua chủ yếu được xử lý thông qua xử phạt hành chính và chưa thực sự đủ sức răn đe. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách, trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Thông tin trên được TS.Trần Hồng Minh-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại Hội thảo công bố Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” diễn ra ngày 24/3, tại Hà Nội- do CIEM phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức.
Báo cáo này được thực hiện nhằm nghiên cứu những quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; rà soát, phân tích các nội dung cam kết trực tiếp về sở hữu trí tuệ trong một số điều ước quốc tế của Việt Nam, mà trọng tâm là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, phân tích yêu cầu hoàn thiện quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi số; phân tích một số thách thức đối với yêu cầu sửa đổi các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với các cam kết quốc tế... Trên cơ sở đó, kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế, nhằm tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam.
“Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa đối công cuộc chuyển đổi số của đất nước”- TS.Trần Hồng Minh chia sẻ. Theo chuyên gia này, tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế với việc hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế của Nhà nước về mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại. “Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế, mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước”- TS.Trần Hồng Minh chia sẻ.
Trong những năm qua, các mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang dần mất lợi thế cạnh tranh, nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ già hóa dân số đã đặt ra cho Việt Nam rất nhiều thách thức và đòi hỏi phải đẩy nhanh việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Theo bà Minh, Việt Nam đang tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, một định hướng quan trọng là phát huy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.
Định hướng này đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm tăng cường ý thức và hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ của cả các cơ quan chính phủ, DN và người dân. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do quan trọng như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều có những nội dung quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước yêu cầu ấy, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Trình bày kết quả nghiên cứu “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong Chỉ số sáng tạo toàn cầu; hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.
Để cải thiện chất lượng hệ thống sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Báo cáo đưa ra 4 nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể: Cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho DN và thích ứng với môi trường chuyển đổi số. Cùng với đó, nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các DN, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần vận dụng cơ sở giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cho DN và cá nhân.
Thái An