Sáng 16/7, tại Nghệ An, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, đoàn thể và tỉnh Nghệ An.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân liệt sĩ được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công lần này. Đồng thời, mong rằng bằng việc xác nhận liệt sĩ và nhận Bằng Tổ quốc ghi công, các gia đình và thân nhân liệt sĩ sẽ được bù đắp phần nào những đau thương, mất mát đã trải qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chia sẻ, động viên tới các thân nhân liệt sĩ
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia công tác người có công. Việc làm này vừa là đạo lý, bổn phận trách nhiệm, vừa là tình cảm, vinh dự để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc...
Phát biểu khai mạc, ông Thái Thanh Quý- Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ và trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 là sự kiện hết sức có ý nghĩa được tổ chức trên quê hương của Bác Hồ kính yêu. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Suốt chặng đường cách mạng ấy, đất và người Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng với những dấu son không thể phai mờ, viết nên những truyền thống rạng ngời của quê hương. Lịch sử dân tộc đã trang trọng ghi nhận về một Nghệ An “đứng đầu dậy trước” làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên góp phần đưa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đại diện Bộ Quốc phòng trao Bằng Tổ quốc ghi công
Đó chính là một Nghệ An làm hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, góp phần cùng cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh và làm trọn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một Nghệ An tiền tuyến của những “tọa độ lửa” chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc, với những chiến công hào hùng, bi tráng, trở thành biểu tượng cao đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đi qua các cuộc kháng chiến, Nghệ An có hơn 45.000 liệt sĩ; hơn 56.000 thương binh, hơn 20.000 người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 2.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 500.000 gia đình, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến. “Được chọn là địa phương tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với 75 liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 30 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022 là một vinh dự lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An"- ông Quý chia sẻ.
Cũng theo ông Quý, nhiều liệt sĩ hy sinh sau hơn 80 năm, có liệt sĩ hy sinh đã 91 năm, nay được xác nhận qua hồ sơ tồn đọng. Điều này thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, đạo lý nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, sau 5 năm, cả nước đã rà soát được trên 7.000 hồ sơ tồn đọng trình Thủ tướng công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ...
Trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước. Những năm tháng đó là những năm tháng đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của thân nhân và gia đình. Đó là những tia hy vọng mong manh vào điều kỳ diệu rằng người ông, người bà, người cha, người anh, người chồng mình vẫn còn sống. Đó là nỗi xót thương khi tiễn cha, anh lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc nhưng chưa một lần gặp lại. Đó là nỗi niềm đau đáu trong tâm can khi gia đình chưa được đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công khắc ghi tên người thân của mình...
"Đợi chờ, hy vọng, rồi lại thất vọng, rồi lại đợi chờ, mong mỏi và cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.200 gia đình ấy. Có thể nói rằng, sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình- hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người DTTS, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài”- ông Dung chia sẻ.
Ông Dung thông tin thêm, ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh (sinh năm 1869) tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man và đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27/9/1931 (đến nay đã trên 91 năm). Liệt sĩ Đinh Công Gấm (sinh năm 1921) là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre- là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội…
“Đạt được kết quả như trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung và việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình nói riêng trong cả nước”- ông Dung nhấn mạnh.
Vũ Thu