Chiều 13/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp thông tin, triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến với lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Cơ quan thường trực khu vực miền Nam Ban tuyên giáo Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo một số cơ quan đại diện báo chí Trung ương tại TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về Nghị quyết 98
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98/2023/QH15 bao gồm 44 cơ chế chính sách với 7 lĩnh vực. Trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội; 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP.HCM được áp dụng.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế, xã hội của cả nước. Nghị quyết sẽ mang lại những đột phá qua sự kiến tạo, sẽ giải quyết những tồn đọng, tháo gỡ nhưng khó khăn cho TP.HCM dù không thể kỳ vọng là tất cả mọi thứ khó khăn đều được tháo gỡ.
Thực hiện Nghị quyết 98, Quốc hội đã giao HĐND TP.HCM 14 nhiệm vụ. Trong đó, ban hành tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, thời gian hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục- đào tạo, thể thao, văn hóa; ban hành danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng- vận hành- chuyển giao đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Trong chính sách quản lý đầu tư, Nghị quyết đề cập việc UBND TP.HCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đáp ứng đầy đủ các điều kiện. HĐND TP.HCM quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; Thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; Về các dự án đầu tư sẽ áp dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên tất cả các lĩnh vực.
Nghị quyết 98 cũng cho phép TP.HCM quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, CCVC, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan Trung ương trên địa bàn theo hiệu quả công việc ngoài việc chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, CCVC, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Liên quan đến một số ý kiến của đại diện cơ quan báo chí về việc thực hiện các mô hình mới, chẳng hạn TP.HCM sẽ có Sở An toàn thực phẩm nhưng không thuộc ngành dọc, không có cơ quan cấp Bộ bên trên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ song thực tiễn cho thấy mô hình này rất cần thiết đối với một siêu đô thị như TP.HCM. Theo ông Phan Văn Mãi, qua 6 năm hoạt động, Ban Quản lý An toàn thực phẩm hoạt động rất hiệu quả và nay chuyển thành Sở An toàn thực phẩm thì vẫn phải đảm bảo các mục tiêu. Hiện UBND TP.HCM đang khẩn trương, hoàn thành các thủ tục để trong tháng 9 tới đây sẽ trình HĐND TP.HCM về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Theo đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.
Ông Phan Văn Mãi cũng khẳng định rằng để triển khai Nghị quyết 98 có hiệu quả thì trước hết chính quyền thành phố phải có sự chủ động, cùng sự tham gia của nhân dân thành phố và các cơ quan báo chí, truyền thông có những đóng góp, định hướng quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách.
Tại buổi họp, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM đã có nhiều ý kiến trao đổi với lãnh đạo UBND TP.HCM xung quanh Nghị quyết. Theo đó, khẳng định sự đồng hành các cơ quan báo chí cùng chính quyền thành phố thực hiện Nghị quyết, vấn đề là quyết tâm thực hiện và cách thức như thế nào cho có hiệu quả chứ không “bàn lùi”.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Trọng Dũng- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định Nghị quyết 98 kéo dài xuyên suốt 2 nhiệm kỳ đến năm 2028 và cần có sự thống nhất xuyên suốt khi triển khai. Ông Dũng đề nghị TP.HCM cần có trao đổi định kỳ hàng tháng của các tổ tư vấn chuyên môn để cập nhật thông tin triển khai Nghị quyết và tổ chức thông tin thường xuyên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các cơ quan báo chí với tôn chỉ, mục đích khác nhau. Định kỳ UBND TP.HCM có thể ủy quyền cho một số Sở, ban, ngành có báo cáo nhanh về quá trình thực hiện Nghị quyết, thông tin về một số vấn đề mà người dân quan tâm.
Trần Đức