Mới đây, Khoa Bệnh Nhiệt đới (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân C.A.P (sinh 1980, trú tỉnh Bình Dương), người suýt thiệt mạng vì ngộ độc rượu.
Trước đó, bệnh nhân P. được cơ sở y tế địa phương chuyển đến và nhập BV Chợ Rẫy trong tình trạng lừ đừ, thị lực giảm nặng. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trước khi cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở, bệnh nhân P. cùng một “chiến hữu” uống rượu ngâm chuối hột đến say khướt. Sau đó, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện, ông P. đi cấp cứu, còn “chiến hữu” thì không may tử vong.
Theo BS.Đỗ Thị Ngọc Khánh- Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân P, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng toan chuyển hóa rất nặng (cường toan là a-xít, toan chuyển hóa là a-xít trong máu) gây tổn thương thận cấp. Xét nghiệm cũng cho thấy nồng độ Methanol (cấu trúc phân tử CH4O) trong máu và nước tiểu rất cao.
Rượu uống hay cồn thực phẩm- còn được gọi là Ethanol (cấu trúc phân tử C2H5OH) khác rất xa với cồn công nghiệp (Methanol) về sự “lành tính” đối với con người. Song, uống quá nhiều Ethanol trong thời gian ngắn cũng gây ngộ độc. Còn uống rượu có Methanol thì ngộ độc còn nhanh và trầm trọng hơn.
Theo BS.Ngọc Khánh, nồng độ Methanol trong người sau khi uống rượu cỡ 25mg/dl (milligrams trên deciliter) được xem là ngộ độc rượu. Ở bệnh nhân P., nồng độ Methanol vượt quá 90mg/dl, đủ biết tình trạng ngộ độc nặng đến cỡ nào.
Cũng theo BS.Ngọc Khánh, bệnh nhân P. được chỉ định lọc máu ngắt quãng. Chỉ sau một lần lọc, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện nhiều: Tỉnh táo hơn, tăng thị lực, toan chuyển hóa hạ giảm, tiểu nhiều... “Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi, điều trị, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới”- BS.Ngọc Khánh thông tin thêm.
Trên thị trường hiện nay, có tình huống người tiêu dùng uống phải “rượu giả” khi bị pha bằng nước và cồn công nghiệp Methanol, còn có tình huống uống phải rượu “nửa giả nửa thật” khi bị pha thêm Methanol vào rượu Ethanol để “tăng đô”. Do đó, đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe, thậm chí thiệt mạng vì ngộ độc.
Thanh Giang