Ngoài việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn, TP.HCM khuyến khích, các quận, huyện cần phát triển các mô hình kinh tế du lịch tại các di tích lịch sử nhằm quảng bá hình ảnh đến với du khách.
Ngày 30/8, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP.HCM, đã có buổi làm việc với UBND quận 6 về việc thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND TP.HCM về kết quả giám sát bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn Thành phố.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, ông Lê Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết hiện nay trên địa bàn quận 6 có 6 di tích và 4 công trình nằm trong và hơn 50 đình, chùa với lối kiến trúc cổ xưa, hiện đại luôn là địa điểm thu hút khách tham quan du lịch; trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, 2 di tích lịch sử thành phố. Ngoài ra, quận 6 còn 4 công trình được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử- văn hóa gồm Chùa Kiểng Phước, Đình Bình Tây, Chùa Sắc Tứ Từ An và Đình Tân Hòa Đông.
Theo ông Bình, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Qua đó, hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị về lịch sử văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Song đó, để các quan điểm trên đi vào cuộc sống người dân, trong thời gian qua, UBND quận 6 đã quán triệt và triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết 52 về công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa tại các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, việc vận động các tổ chức cá nhân tại các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh từ năm 2016 đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận với chủ trương trong việc lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với 4 công trình trong danh mục kiểm kê di tích.
Tại buổi khảo sát, đại diện Sở Du lịch, Sở VHTT&DL, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cùng các thành viên trong Đoàn khảo sát cũng đề nghị UBND quận 6 báo cáo rõ hơn về các vấn đề liên quan đến diện tích của các di tích lịch sử bị thu hẹp đặc biệt là Đình Bình Tiên; chi phí trùng tu; an ninh trật tự và niêm yết giá ở các mô hình kinh tế du lịch tại chợ Bình Tây theo đề án mà quận đã xây dựng. Về vấn đề này, UBND quận 6 thông tin, hằng năm quận đều thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa các di tích, danh mục kiểm kê di tích, bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích. Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích và cơ sở tôn giáo, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích cùng cảnh quan môi trường của di tích và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động mê tính dị đoan tại di tích theo quy định.
Cũng theo ông Bình, hiện nay với tiềm năng vốn có từ lâu đã là một Trung tâm TM-DV quan trọng của TP.HCM nói riêng và di tích kiến trúc nghệ thuật của cả vùng nói chung, chợ Bình Tây hiện có quy mô và sức thu hút rất lớn đối với người tiêu dùng cùng như đối với khách du lịch trong và ngoài nước. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán của tiểu thương tại chợ, đồng thời quảng bá xúc tiến du lịch; UBND quận 6 đã chủ trương phát triển văn hóa- du lịch trước tại sân chợ Bình Tây và việc này đã góp phần vào công tác kinh tế khu vực cụm thương mại dịch vụ Bình Tây và dự kiến trong năm 2022, quận 6 sẽ phối hợp với các DN lữ hành thực hiện các sản phẩm tour du lịch đặc trưng trên địa bàn trong tháng 9 tới, đặc biệt là đề án về chợ đêm tại chợ Bình Tây”- ông Bình báo cáo với Đoàn.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Trưởng Ban VH-XH HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình, ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của UBND quận 6 trong công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 52 của HĐND Thành phố. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, đề nghị UBND quận 6 cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ngành có liên quan để kiểm kê lại các “báu vật” trong các di tích lịch sử nhằm bảo quản tốt hơn, cũng như đưa ra các giải pháp gỡ vướng trong công tác sửa chữa, trùng tu các di tích này.
Đăng Khoa