Khi Maria Lopes chuyển từ Tondela- một thành phố phía Bắc Bồ Đào Nha đến Thủ đô Lisbon, mục tiêu của cô rất đơn giản, đó là học tập, tìm việc làm và có một nơi ở cho riêng mình.
Thế nhưng, một thập kỷ đã trôi qua, Maria Lopes, 30 tuổi, có 2 tấm bằng về du lịch, vẫn sống trong một căn phòng nhỏ với giá thuê không hề rẻ. Cô chính thức đứng trong “hàng ngũ” hàng chục ngàn người trẻ Bồ Đào Nha chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhà ở ở quốc gia này.
Những năm gần đây, Chính phủ Bồ Đào Nha thúc đẩy một số ưu đãi, trong đó có chương trình “Thị thực vàng” dành cho giới giàu có, doanh nhân nhằm thu hút được nhiều khoản đầu tư giúp vực Bồ Đào Nha ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ 2011-2014. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách, là làm thị trường bất động sản trở nên cạnh tranh khốc liệt; gia tăng lạm phát và đặc biệt, gây áp lực về nhà ở lên NLĐ trẻ, NLĐ địa phương và NLĐ mới tham gia thị trường lao động.
Trở về từ sau một ca làm việc tại một công ty du lịch cung cấp dịch vụ xe bus Hop-on Hop-off, Maria Lopes trở về căn hộ thuê chung với 5 người khác. Để trú ngụ yên ổn trong một căn phòng gác lửng rộng khoảng 13m2, cô phải trả 450 Euro (tương đương 475 USD) mỗi tháng; trong khi, thu nhập chỉ 800 Euro/tháng trong mùa du lịch thấp điểm. “Tôi hy vọng, tiếng nói của người trẻ sẽ được Chính phủ và các cơ quan chức năng lưu tâm hơn một chút. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn chi phí sinh hoạt hằng ngày. Giá cả thì ngày một leo thang”- Maria Lopes buồn bã chia sẻ.
Bồ Đào Nha được coi là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu. Năm ngoái, Thủ đô Lisbon bị xếp hạng là thành phố kém khả thi về tài chính thứ 3 trên thế giới, vì mức lương thấp và giá thuê nhà cao. Kể từ năm 2015, Airbnbs và các khách sạn, resort mới mọc lên như nấm, nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào bất động sản và các quỹ đầu tư, gần như thâu tóm toàn bộ thị trường nhà ở Lisbon. Confidencial Imobiliario, Cơ quan Thu thập dữ liệu về nhà ở, thông tin, hiện giá thuê nhà ở Lisbon tăng 65%, giá bán nhà tăng…137% so với năm 2015. Theo Casafari, một Công ty Dữ liệu bất động sản khác, giá thuê nhà tăng 37% chỉ riêng trong năm ngoái, cao hơn cả ở Barcelona (Tây Ban Nha) hay Paris (Pháp).
Trong khi đó, dữ liệu của Chính phủ cho thấy, người Bồ Đào Nha đang phải “vật lộn” trong cuộc chiến nhà ở, bởi nhà ở xã hội ở quốc gia này chỉ chiếm 2% thị trường bất động sản. Tình hình đặc biệt nan giải đối với người trẻ. Theo Bộ Lao động Bồ Đào Nha, mức lương tối thiểu hằng tháng là 760 Euro (tương đương 801,27 USD); tuy nhiên, năm 2022, khoảng 65% NLĐ dưới 30 tuổi chỉ kiếm được ít hơn 1.000 Euro/tháng. Nhưng giá thuê trung bình cho căn hộ một phòng ngủ ở Lisbon là khoảng 1.350 Euro. Ông Luis Mendes, nhà nghiên cứu thị trường bất động sản, thuộc Đại học Lisbon, cho biết: "Một số người không còn gì để ăn sau khi trả tiền thuê nhà. Một số người buộc phải rời bỏ thành phố. Năm 2022, tính riêng Lisbon, số lượng người trẻ rời khu vực thành thị tăng 13% so với trước đại dịch Covid-19 (năm 2019)”.
Cô Dulce Dengue, gốc Angola, cùng các con và cháu gái buộc phải rời nơi ở của gia đình ở một khu phố nghèo thuộc ngoại ô Lisbon vào năm 2021. Họ chuyển từ ký túc xá này sang ký túc xá khác trước khi tìm được một ngôi nhà ở Setubal, cách Lisbon khoảng 50 km về phía Nam. Việc quay trở lại thành phố, theo cô Dulce Dengue, sẽ là "có thể không bao giờ được nữa".
Tùng Anh (Theo Confidencial Imobiliario)