Giới trẻ Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với thị trường việc làm được đánh giá là cạnh tranh khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động từ 16 đến 24 tuổi đã tăng dần kể từ năm 2020 và thiết lập kỷ lục mới trong 2 tháng qua, đặt ra thách thức lớn đối với các nỗ lực phục hồi của Chính phủ hậu Covid-19.
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Trung Quốc đang ở thời điểm khó khăn nhất đối với tạo việc làm cho thanh niên kể từ khi “cải cách và mở cửa” vào năm 1978. Vấn đề này không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội. Nhất là, xét theo xu hướng theo mùa, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa vào tháng 7 và tháng 8/2023, với con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp Đại học chuẩn bị gia nhập thị trường lao động.
Trong tháng 5/2023 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động tuổi từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 20,8%, tăng từ mức cao trước đó là 20,4% trong tháng 4/2023. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị không thay đổi so tháng trước, ở mức 5,2%. Chỉ có 33 triệu/96 triệu lao động độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi hiện đang có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ ở mức cao kể từ năm 2020 và chưa giảm xuống dưới 14% kể từ tháng 5/2021. Dự kiến sẽ mất ít nhất 2 hoặc 3 năm nữa, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ mới có xu hướng giảm bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Nhìn lại quá khứ, có thể thấy Trung Quốc từng trải qua 4 “làn sóng” khủng hoảng việc làm nghiêm trọng, kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa kinh tế vào năm 1978. Cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào đầu năm 1980, khi khoảng 5 triệu thanh niên trí thức- trước đây được gửi đến nông thôn thời cải cách văn hóa- trở về quê hương của họ. Áp lực đã dẫn đến một loạt cải cách, đặc biệt là Chính phủ dỡ bỏ nhiều hạn chế để cho phép các DN tự kinh doanh.
Cuộc khủng hoảng thứ hai xảy ra từ năm 1989 đến thập niên 90, khi tăng trưởng kinh tế của đất nước chậm lại. Quyết tâm tái cơ cấu DN nhà nước làm ăn thua lỗ và hiệu quả thấp của Chính phủ vào năm 1998 đã dẫn đến việc sa thải hàng triệu công nhân viên. Thế hệ hiện ở độ tuổi 40- 50 chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thứ ba. Tuy nhiên, thất nghiệp thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Sự kiện 15- 20 triệu lao động nhập cư phải rời các nhà máy ven biển do thiếu việc làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Trung Quốc phải nhanh chóng thực hiện gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ thị trường việc làm và nâng cao tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng lần thứ tư.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động vẫn có nhiều biến động. Ở các DN vừa và nhỏ- nơi tập trung số lượng lao động lớn nhất, nhu cầu tuyển dụng không thực sự cấp bách, có xu hướng để công nhân viên tăng ca hơn là để người mới gia nhập. Ngoài ra, người thất nghiệp hoặc đang làm công việc part-time trong thời kỳ đại dịch sẽ tái gia nhập thị trường việc làm, khiến sự cạnh tranh càng gay gắt hơn. Vì vậy, theo dự báo, số lượng SV tốt nghiệp thất nghiệp có thể vượt quá hàng triệu người.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)