Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT. Đồng thời, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,5-3%/năm, từ 15,49% cuối năm 2021 xuống còn 12,99% đến 12,49% vào cuối năm 2022.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 của tỉnh Hòa Bình có 6 dự án thành phần gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung gồm: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ tiếp cận thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ BHYT.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, BH thất nghiệp. Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 900 hộ kinh doanh, gần 5.000 NLĐ, 7.501 người có công, 22.806 đối tượng bảo trợ xã hội và 89.755 người thuộc diện hộ nghèo với tổng kinh phí trên 210 tỷ đồng. Năm 2021, hỗ trợ cho 1520 DN, 65.771 đối tượng khác là trẻ em, NLĐ, người là F1, F0 và 363 hộ kinh doanh với tổng kinh phí 110 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 128 của Chính phủ. Năm 2022, hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.032 NLĐ với số tiền 1,439 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cũng được tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt theo hướng gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 57,5%, trong đó số có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,1%. Mỗi năm, Hòa Bình giải quyết việc làm cho gần 17.000 NLĐ. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung triển khai các chương trình, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững lồng ghép các nguồn lực trong xã hội, nhất là nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 6,24%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,97%.
T.Hà