Ngày 6/4, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì buổi làm việc, tham vấn ý kiến Đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) về sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, luật sửa đổi lần này hướng tới mục tiêu rất lớn, đó là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, cũng như khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai chính sách. Tuy nhiên, để làm được điều này, BHXH Việt Nam rất cần những hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức quốc tế, trong đó có WB.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chủ trì buổi làm việc với Đoàn chuyên gia của WB
Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng đưa ra là, đến 2025 đạt 45% và đến năm 2030 đạt 60% lực lượng lao động tham gia BHXH. Song, hiện nay, Việt Nam mới đạt 38% lực lượng lao động tham gia BHXH. "Nhìn vào lộ trình trên có thể thấy, đây là một thách thức rất lớn về độ bao phủ mà BHXH Việt Nam đang phải đối mặt trong điều kiện già hóa dân số và lao động phi chính thức chiếm khoảng 3/4 tổng số lao động”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhận định.
Đề cập nội dung xây dựng chính sách BHXH đa tầng, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, dự kiến thiết kế chế độ hưu trí xã hội là một tầng của BHXH. Tuy nhiên, khó khăn mà BHXH Việt Nam đang phải đối mặt là việc xây dựng mối liên kết giữa các bên liên quan, cũng như giữa tầng hưu trí xã hội với BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, đối với BHXH một lần, BHXH Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách, vì mâu thuẫn giữa nhu cầu trước mắt và lợi ích lâu dài của NLĐ. Trước thực trạng trên, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị các chuyên gia WB đưa ra những khuyến nghị nhằm giúp BHXH Việt Nam có thể cùng với các bên xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. “Mục tiêu cuối cùng mà chúng tôi hướng tới là phải đảm bảo được quyền lợi và tính bao trùm an sinh xã hội cho người dân”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Ông Christophe Lemiere nhận định Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có tác động lớn
Gửi lời chúc mừng tới những thành quả mà BHXH Việt Nam đạt được, ông Christophe Lemiere- Quản lý Chương trình Phát triển con người tại Việt Nam (WB) nhận định, Luật BHXH (sửa đổi) là một trong những luật có tác động lớn tới công tác an sinh xã hội cho người dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hướng tới những tác động tích cực, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ BHXH, cần phải có những điều chỉnh phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Chỉ rõ một trong những vướng mắc hiện nay là một số đối tượng còn khó khăn, chưa đủ tài chính để tiếp cận chính sách BHXH, ông Robert J.Palacios- Chuyên gia trưởng An sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (WB) cho rằng, cần có giải pháp đặc thù như Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, cần lưu ý tới việc hỗ trợ cần đúng và trúng đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, một trong những vấn đề mà Việt Nam cũng cần hướng tới là thay đổi công tác truyền thông. “Hiện nay, dường như cách truyền thông truyền thống theo hướng cỗ vũ, động viên người tham gia là chưa đủ, mà cần tập trung vào phân tích, nhấn mạnh lợi ích của việc ở lại trong hệ thống BHXH và lợi ích về kinh tế nếu như tham gia BHXH…”- ông Robert J.Palacios nêu rõ.
Chuyên gia WB đưa ra các khuyến nghị về việc sửa Luật BHXH
Tại buổi làm việc, đại diên BHXH Việt Nam và các chuyên gia WB đã cùng nhau thảo luận, phân tích rõ những điểm cần thiết trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bên cạnh đó, các chuyên gia WB cũng đưa ra một số gợi ý về mô hình xây dựng hệ thống hưu trí của các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đánh giá cao kết quả đánh giá, khảo sát, kinh nghiệm và các khuyến nghị được các chuyên gia WB đưa ra, nhất là các khuyến nghị rất trúng vấn đề mà BHXH Việt Nam quan tâm trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Đồng thời đề nghị WB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ BHXH Việt Nam xây dựng, sửa đổi các luật liên quan.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, hiện đang có 2 phương án về rút BHXH một lần- đây đều là những phương án tối ưu được đưa ra từ khảo sát thực tế và nguyện vọng của NLĐ. Tuy nhiên, với trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam mong muốn NLĐ sẽ hướng tới phương án thứ hai. Bởi, phương án này vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp cấp bách, vừa đảm bảo quyền lợi lâu dài khi số tiền còn lại của NLĐ vẫn được bảo lưu trong hệ thống.
“Từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, cần phải kiên định hạn chế hưởng BHXH một lần thì mới đạt được độ bao phủ. Việc duy trì đối tượng đã vào trong hệ thống BHXH thực chất dễ hơn là phát triển người tham gia mới. Vì vậy, chúng ta cần phải đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn để giữ chân người tham gia”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn chia sẻ.
Thanh Hằng