Trong khoảng 2 năm gần đây, trước những tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phải đối mặt với vô vàn khó khăn, áp lực. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nghỉ, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công tác thu, phát triển người tham gia, đặc biệt luôn đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ.
Nhìn từ những con số
Năm 2022, tình hình Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và người dân gần như trở lại bình thường, không còn bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu “giãn cách xã hội” cũng như các biện pháp phòng dịch khác. Ảnh hưởng của dịch COVID đã không còn đáng kể. Tuy nhiên, những dư âm “hậu Covid-19” còn âm ỉ, gây tác động phức tạp không kém. Cộng thêm ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraina, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu bị thay đổi mạnh, dẫn đến DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, nhất là trong lĩnh vực may mặc, da giày, linh kiện điện tử. Hậu quả, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân lực, khiến thị trường lao động có những biến động cục bộ, khó lường.
Ngành BHXH Việt Nam luôn đối mặt với khối lượng công việc rất lớn
Trong bối cảnh đó, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Số tham gia BHXH, BHYT tại các DN bị giảm. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đối mặt với nhiều trở ngại do mức đóng tăng (điều chỉnh theo chuẩn nghèo mới); số tham gia BHYT bị giảm sâu khi thực hiện theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025…
Đối mặt với nhiều thách thức (bao gồm cả yếu tố vĩ mô và vi mô), nhưng công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vẫn đang được toàn ngành BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua những con số hết sức tích cực và khả quan.
Cụ thể, hết năm 2022, cả nước có 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% so với LLLĐ trong độ tuổi, vượt 1,08% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và tăng 953 nghìn người so với năm 2021. Trên 14,33 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ 31,18% LLLĐ trong độ tuổi, vượt 0,18% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và tăng 910 nghìn người so với năm 2021. Đặc biệt, có 91,074 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, vượt 0,04% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và tăng 2,237 triệu người so với năm 2021- đây cũng là một trong 7 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, tổng số thu BHXH, BHYT năm 2022 là 435.168 tỷ đồng, tăng 38.531 tỷ đồng (9,71%) so với năm 2021, đạt 102,68% kế hoạch năm và vượt 11.354 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao. Tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT giảm xuống mức thấp, bằng 2,91% so với số phải thu- đây cũng là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (tỷ lệ chậm đóng năm 2016 khoảng 6% so với số phải thu).
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn Ngành vẫn nỗ lực vượt qua
Trong 4 tháng đầu năm 2023, những khó khăn vẫn tiếp diễn, toàn ngành BHXH Việt Nam vẫn phải miệt mài, nỗ lực triển khai các giải pháp để từng bước hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, tính đến hết tháng 4 có 17,111 triệu người tham gia BHXH, tăng 503 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022; có 14,005 triệu người tham gia BH thất nghiệp, tăng 379 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022; trên 90,226 triệu người tham gia BHYT, tăng 4,372 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều giải pháp cũng đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đã, đang phát huy và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tính riêng trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị (bằng 215% so với năm 2021). Số tiền chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng; số đã khắc phục là 3.068 tỷ đồng (đạt 93%) và tăng 25,5% so với năm 2021. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện hơn 74.000 trường hợp sai phạm về đối tượng đóng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng (bằng 156,8% so với năm 2021); yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT gần 90 tỷ đồng (bằng 160% so với năm 2021).
Riêng về thanh tra chuyên ngành, năm 2022, toàn Ngành đã thực hiện tại 22.587 đơn vị, tăng 210% so với năm 2021. Trong đó, thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 11.344 đơn vị (chiếm 50,2%). Qua đó, đã yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT của 88.017 NLĐ chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng theo quy định với số tiền 227,4 tỷ đồng (tăng 78% so với năm 2021)…
Vững an sinh cho NLĐ
Áp lực với cơ quan BHXH không chỉ nằm ở các chỉ tiêu thu hay phát triển số người tham gia. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT cho người dân, NLĐ cũng ngày một lớn hơn, đòi hỏi nhiều sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao. Đơn cử, trong năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, việc KCB của người dân trở lại bình thường và có xu hướng gia tăng mạnh.
Hoạt động giám định BHYT được chú trọng thực hiện hiệu quả
Thống kê cho thấy, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện giám định, thanh toán BHYT cho 151,388 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 30 triệu lượt so với năm 2021. Số chi KCB BHYT trên 106.732 tỷ đồng, tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượt và số chi phí KCB BHYT tiếp tục xu hướng tăng. Lũy kế 4 tháng năm 2023, cả nước có 54,5 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 15,2 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2022. Số chi KCB BHYT gần 37.000 tỷ đồng, tăng 9.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam một mặt đảm bảo nguồn lực đáp ứng nhu cầu KCB BHYT; mặt khác cố gắng tham mưu để xây dựng các cơ chế đảm bảo có lợi nhất cho người tham gia BHYT. Thấy rõ nhất là việc BHXH Việt Nam cùng Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT. Thực hiện Nghị quyết này, khoảng 4.500 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán của năm 2021 (do đặc thù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19) đã được BHXH Việt Nam kịp thời thanh toán cho các cơ sở KCB trong năm 2022.
Cũng trong năm 2022, BHXH Việt Nam đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB BHYT. Đến nay, tình trạng thiếu thuốc BHYT tại các cơ sở KCB và khó khăn, vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật cơ bản được phối hợp giải quyết.
Không chỉ quyền lợi BHYT, các quyền lợi BHXH, BH thất nghiệp cũng luôn được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo cho NLĐ. Theo thống kê, năm 2022, cơ quan BHXH các cấp đã giải quyết 95.662 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK; 977.607 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, đã giải quyết cho 3,33 triệu người hưởng các chế độ BHXH, trong đó gồm: 2,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; 455.116 người hưởng chế độ thai sản; 80.836 người hưởng chế độ DS-PHSK; 256.235 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp.
Công tác chi trả các chế độ BHXH luôn đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng người hưởng; 63 BHXH tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống Bưu điện (tại 100% xã, phường). Hiện nay, cả nước có 14.767 điểm chi trả, bình quân khoảng 1,4 điểm chi trả/xã, phường. Quyền lợi BHXH, BH thất nghiệp của NLĐ vì vậy luôn được đảm bảo kịp thời, minh bạch.
Tiếp tục nỗ lực để vượt qua thách thức
Tình hình 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Số NLĐ vẫn có xu hướng giảm chủ yếu ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (262 nghìn người), tập trung ở lĩnh vực may mặc, da giày và sản xuất linh kiện điện tử. Việc tuyển dụng lao động tại một số địa cũng đang gặp khó khăn. Dự kiến trong quý II và quý III, nhu cầu tuyển dụng mới không nhiều và số NLĐ ngừng việc rời hệ thống vẫn tiếp tục tăng do DN ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, sản xuất đồ gỗ chưa có đơn hàng mới, mà chủ yếu vẫn hoạt động cầm chừng để giữ chân NLĐ.
Việc chuyển đổi số đã giúp Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Trong bối cảnh đó, các bài học kinh nghiệm, các giải pháp tập trung thu, phát triển người tham gia tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt. Theo đó, BHXH các địa phương đều chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Đặc biệt, tham mưu xây dựng cơ chế huy động ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Cơ quan BHXH các địa phương cũng đẩy mạnh và thường xuyên tổ chức hội nghị khách hàng tại các khu dân cư theo nhóm người tham gia tiềm năng, để tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, tiếp tục mở rộng tổ chức dịch vụ thu, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu; chủ động kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu để đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, phân công và giao trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các tổ chức dịch vụ thu cho từng lãnh đạo và cán bộ liên quan, để đôn đốc tổ chức dịch vụ thu hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan BHXH.
Ngay trong tháng 5/2023, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phải xây dựng kịch bản chi tiết, đưa ra các biện pháp ứng phó với những khó khăn, đảm bảo thực hiện hiệu quả chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2023. Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành phải nắm chắc, bám sát thực tiễn để có phản ứng kịp thời; BHXH các địa phương phải có kịch bản phù hợp, sát thực tế, trong đó nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo độ bao phủ như kế hoạch đặt ra.
“Càng trong bối cảnh khó khăn, việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp phải luôn đảm bảo thuận lợi nhất cho NLĐ. Đồng thời, việc kiểm soát chi phí KCB BHYT cần được thực hiện hiệu quả và luôn chú trọng quyền lợi BHYT của người dân”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý thêm.
Minh Đức