Với 473/478 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,75%) tổng số ĐBQH, chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.
Theo đó, tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN. Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022. Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán NSNN năm 2021 của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho thấy, Uỷ ban TVQH nhất trí với các ý kiến ĐBQH cho rằng, kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia thực hiện chưa nghiêm; nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm đã được nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán và báo cáo thẩm tra chưa được khắc phục. Đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp, giải pháp quyết liệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương để khắc phục các tồn tại, hạn chế này; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương…
Về chi NSNN, một số ý kiến cho rằng, chưa có hướng dẫn đầy đủ quyết toán công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn vốn huy động ngoài NSNN. Đề nghị Chính phủ hướng dẫn quyết toán các khoản huy động, thu, chi đóng góp ngoài NSNN cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổng hợp, báo cáo Quốc hội kết quả thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch tại dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; có ý kiến đề nghị các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ủy ban TVQH nhất trí với ý kiến ĐBQH, việc hạch toán, thanh toán, quyết toán huy động, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc quyết toán các khoản chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương gặp khó khăn; chưa giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch, mua sắm thuốc, trang thiết bị,… Để đồng bộ các nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban TVQH chỉ đạo yêu cầu Chính phủ hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và báo cáo Quốc hội kết quả huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.
Về chi đầu tư phát triển và chi cho chương trình mục tiêu quốc gia, có ý kiến cho rằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021 còn chậm,gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách. Nhất trí với ý kiến ĐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo nêu rõ các tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tại điểm a khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Riêng về giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chậm, đề nghị không nêu trong dự thảo Nghị quyết do tháng 7/2021, Quốc hội mới phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG NTM và giảm nghèo bền vững; đến tháng 5/2022,Chính phủ mới trình Uỷ ban TVQH ban hành Nghị quyết phân bổ vốn Ngân sách Trung ương cho 3 CTMTQG...
V.Thu