Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã được chú trọng góp phần quan trọng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Ngay từ sau Đại hội XIII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành, kiến nghị ban hành mới các văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Theo đó, đã chú trọng đổi mới, cải tiến các phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, thực hiện phương châm kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động, kịp thời tham mưu BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả ở các cấp.
Cụ thể là: Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Hướng dẫn số 02 HD/TW ngày 9/12/2021 của Ban Bí thư thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW; Kết luận số 23-KL/TW ngày 10/12/2021 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…
Trong đó, Quy định số 69 được đánh giá là quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất và hoàn thiện nhất từ trước đến nay, bởi hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội. Điểm mới trong Quy định này tập trung ở ba nội dung chính, đó là, quy định các hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm; tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với hành vi vi phạm; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp thực tiễn và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Chỉ đạo của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Song song các biện pháp tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước; có cơ chế phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, truyền thông, báo chí và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp trong kiểm tra, giám sát, nhất là chỉ đạo kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, tập trung vào các vấn đề nóng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm như: Công tác quản lý, sử dụng đất đai; mua sắm trang thiết bị y tế; công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác quản lý cửa khẩu, lối mở...
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thực tế cho thấy cần bảo đảm các tham mưu về công tác kiểm tra, giám sát thiết thực, toàn diện, đồng bộ, gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của toàn Đảng cũng như của mỗi địa phương, đơn vị trong nhiệm kỳ, đồng thời gắn với giải quyết các vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm.
Kinh nghiệm quý được đúc rút qua thực tế là cần xác định đúng khâu trọng tâm, đột phá trong kiểm tra thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng từng thời kỳ; tập trung kiểm tra các lĩnh vực, ngành, địa phương triển khai công việc chậm tiến độ, có nhiều điểm nghẽn, dễ nảy sinh vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Thành tựu rất quan trọng của nửa đầu nhiệm kỳ, tạo cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được thống nhất về nhận thức và hành động. Quá đó tiếp tục hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào những đột phá về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn tiếp theo.
Minh Đức