Từ 1/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật từ 13.000-32.000 đồng/ngày
Theo Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại có hiệu lực từ ngày 1/3/2023, thì mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền. Cụ thể như sau: Mức 1 là 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); mức 2 là 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); mức 3 là 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); mức 4 là 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng, thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc. Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trong trường hợp NLĐ làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương thay cho hiện vật bồi dưỡng
Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp NLĐ làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người SDLĐ phải cấp hiện vật cho NLĐ để NLĐ có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Người SDLĐ phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của NLĐ; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của NLĐ.
Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng. Khuyến khích người SDLĐ xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với NLĐ không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Bảo đảm NLĐ được hưởng đầy đủ, đúng chế độ
Thông tư quy định, người SDLĐ phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động; khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Chỉ đạo bộ phận y tế cơ sở hoặc tham vấn ý kiến của chuyên gia về dinh dưỡng để xây dựng cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng phù hợp với việc thải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể tương ứng với các mức bồi dưỡng; đồng thời phù hợp với từng vị trí việc làm, từng công việc cụ thể và sức khỏe của NLĐ. Nghiêm túc tổ chức việc bồi dưỡng bằng hiện vật, bảo đảm cho NLĐ được hưởng đầy đủ, đúng chế độ theo quy định tại Thông tư này.
Các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn triển khai các quy định tại Thông tư này đến các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc trách nhiệm quản lý. Tổng hợp các nghề, công việc cần thực hiện chế độ bồi dưỡng hiện vật trên cơ sở đề nghị của các DN, cơ quan, tổ chức thuộc quyền quản lý và gửi hồ sơ đề nghị về Bộ LĐ-TB&XH để xem xét, quyết định, bao gồm: Biểu tổng hợp các nghề, công việc cần thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật của ngành, địa phương theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Số liệu đo, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại làm căn cứ quyết định mức bồi dưỡng bằng hiện vật.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH đối với các đơn vị, DN đóng trên địa bàn theo chức năng, thẩm quyền được giao.
Châu Anh