Theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), quần thể động vật hoang dã đã giảm mạnh trong 50 năm qua, đây được coi là sự tổn thất "tàn khốc" của thiên nhiên do hoạt động của con người.
Một báo cáo mới đây của WWF cho thấy, sau khi phân tích dữ liệu từ 32.000 quần thể của hơn 5.000 loài động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư, bò sát và cá, cho thấy tốc độ giảm sút của các quần thể động vật trên toàn cầu. Ở các khu vực được coi là giàu đa dạng sinh học như Châu Mỹ Latinh và Ca-ri-bê, con số thiệt hại về quần thể động vật lên tới 94%. Còn quần thể động vật được theo dõi trên thế giới đã giảm 69% kể từ năm 1970.
Ở chiều ngược lại, một vài khu vực, chẳng hạn như châu Âu, có sự suy giảm số lượng động vật hoang dã là 18%. Nhưng số liệu này không nói lên điều gì, vì theo đại diện Hiệp hội Động vật học London (Vương quốc Anh), tổ chức góp phần giúp WWF tổng hợp dữ liệu báo cáo, cho biết: “Chúng tôi biết rằng châu Âu cải thiện được việc “thấp điểm” trong tình trạng đa dạng sinh học ở bán cầu Bắc; tuy vậy, sự mất mát toàn diện về đa dạng sinh học vẫn không đo đếm nổi”.
Tại Châu Phi, nơi 70% sinh kế của người dân phụ thuộc vào thiên nhiên dưới một hình thức nào đó, báo cáo của WWF cho thấy, số lượng động vật hoang dã đã giảm 2/3 kể từ năm 1970. Bà Alice Ruhweza, Giám đốc khu vực châu Phi của WWF, cho biết: “Hệ lụy của việc này còn ảnh hưởng đến nguồn nhân lực. Không còn kế mưu sinh, những người trong độ tuổi lao động bắt buộc phải bỏ xứ, hoặc di chuyển đến nơi khác kiếm sống thuận lợi hơn và gây xáo trộn thị trường lao động. Vì vậy, chúng tôi hướng đến tuyên truyền, vận động những người trẻ tuổi quan tâm hơn đến việc bảo tồn động vật hoang dã và thúc đẩy các Chính phủ tìm kiếm, áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ quần thể động vận hoang dã quyết liệt, hiệu quả hơn. Châu Phi có lợi thế về dân số trẻ, một bộ phận trong số đó ngày càng có trình độ học vấn hơn và bước đầu đang thể hiện nhận thức rõ hơn về các vấn đề tự nhiên. Vì thế, tiềm năng cho sự thay đổi mang tính cải thiện tình hình thực sự rất lớn. Nhưng thời gian không còn nhiều, có những việc cần phải hành động ngay".
Ông Marco Lambertini, đại diện WWF, cho biết WWF "vô cùng lo lắng và quan ngại" trước dữ liệu mới: “Việc sụt giảm nghiêm trọng các quần thể động vật hoang dã rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, nơi được đánh giá có cảnh quan đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Các loài sinh vật nước ngọt đã giảm khoảng 83% kể từ năm 1970”. Cung cấp thêm thông tin, ông Mark Wright, chuyên gia khoa học của WWF, nhận định: “Ví dụ, châu Mỹ Latinh nổi tiếng về đa dạng sinh học, thế mạnh này quan trọng đối với nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội và môi trường. Đặc biệt, với môi trường, giúp điều hòa khí hậu, nếu như sự đa dạng này bị phá vỡ, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường”.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc quần thể động vật suy thoái là do môi trường sống của động vật bị ảnh hưởng do con người phát triển, canh tác và khai thác; việc du nhập các loài xâm lấn; do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và bệnh tật. Vì thế, WWF kêu gọi các Chính phủ, cũng như người dân, cần suy nghĩ sâu sắc về một số hoạt động nông nghiệp gây hại và lãng phí, trước khi chuỗi thức ăn toàn cầu sụp đổ. Bên cạnh đó, cần tăng cường các nỗ lực bảo tồn, phục hồi, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bền vững hơn; có giải pháp xử lý cacbon nhanh chóng, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để làm giảm bớt cuộc khủng hoảng “kép” về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Các Chính phủ cũng nên cân nhắc việc hoạch định chính sách giá trị của các dịch vụ do thiên nhiên mang lại, chẳng hạn như cung cấp thực phẩm, thuốc men và nước sạch.
Tùng Anh (Theo WWF)