Tại Hội thảo Về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức gần đây, chuyên gia y tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã giới thiệu khái niệm các trường hợp “nhạy cảm với điều trị ngoại trú” và “nội trú có thể phòng tránh”. Đồng thời, lý giải tại sao các khái niệm này đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên thế giới, để đánh giá tính hiệu quả của tuyến y tế cơ sở thông qua hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đặc biệt, bà Đào Lan Hương- chuyên gia y tế cao cấp của WB tại Việt Nam, giới thiệu tại Hội nghị nghiên cứu ban đầu đánh giá số lượt nội trú có thể phòng tránh ở Việt Nam. Nghiên cứu hợp tác giữa WB và BHXH Việt Nam đã phân tích dữ liệu giám định chi phí KCB BHYT, đánh giá tính khả thi trong việc áp dụng kết quả nghiên cứu trong xây dựng chính sách, giúp phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. Hội thảo do Lãnh đạo Bộ Y tế đồng chủ trì cùng đại diện WB tại Việt Nam, với đại biểu tham dự là lãnh đạo chính quyền đặc trách văn-xã, lãnh đạo Sở Y tế đến từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc (hội thảo khu vực phía Bắc tổ chức ngày 27/3 và khu vực phía Nam tổ chức ngày 29/3).
Chuyên gia y tế cao cấp của WB tại Việt Nam Đào Lan Hương
Nhạy cảm với điều trị ngoại trú
Dẫn định nghĩa từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Hương cho biết, các trường hợp “nhạy cảm với điều trị ngoại trú” là tình trạng mà việc phải nhập viện điều trị nội trú có thể tránh được nếu người bệnh được chăm sóc ban đầu kịp thời và hiệu quả. Có 2 tiêu chuẩn chính liên quan đến tuyến y tế cơ sở về vấn đề này: Trước hết là dự phòng được thông qua tiêm chủng, tư vấn hoặc truyền thông thay đổi lối sống (cai nghiện thuốc lá, thay đổi chế độ ăn uống, năng luyện tập thể thao...); thứ đến là có thể điều trị hoặc quản lý được tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chuyên gia còn nêu rõ ví dụ các bệnh “nhạy cảm với điều trị ngoại trú”, như: Viêm phổi do vi khuẩn; Cúm; Bạch hầu; Ho gà; Sởi; Viêm gan B cấp; Quai bị, tiểu đường, tăng huyến áp...
Đối với các trường hợp “nội trú có thể phòng tránh”, bà Hương minh họa bằng hành trình của bệnh nhân tăng huyết áp. Theo đó, tăng huyết áp là bệnh lý có thể dự phòng được thông qua các can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu như tập thể dục, cải thiện chế độ ăn uống... Ngoài ra, tăng huyết áp có thể phát hiện sớm và quản lý hiệu quả ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do đó, nếu dự phòng không thành công thì phải được phát hiện sớm và quản lý hiệu quả, bằng không thì bệnh nhân buộc phải nhập viện điều trị. Lý tưởng nhất là cả hai hoạt động dự phòng và quản lý hiệu quả bệnh lý tăng huyết áp ở cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thành công. Khi đó, bệnh nhân tăng huyết áp không phải nhập viện điều trị nội trú. Chuyên gia còn lưu ý thêm, trong tình huống bệnh nhân tăng huyết áp phải nhập viện, bản thân cơ sở KCB vẫn còn cơ hội phòng tránh điều trị nội trú nếu cẩn trọng xác định mức độ cần thiết (có thể điều trị ngoại trú).
Toàn cảnh Hội thảo
Theo chuyên gia, từ những khái niệm này, cộng với mục tiêu chiến lược quan trọng là giảm số ca nhập viện điều trị không cần thiết, giảm thời gian nằm viện để sử dụng hiệu quả nhất Quỹ BHYT, nghiên cứu ban đầu có tên gọi “Đánh giá lượt nội trú có thể phòng tránh được ở Việt Nam: Phân tích sử dụng dữ liệu giám định chi phí KCB BHYT” đã được thực hiện. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu giám định chi phí KCB BHYT từ năm 2017 đến năm 2020 (đã được số hóa toàn bộ từ năm 2017), đối với 10 bệnh lý cấp tính, 13 bệnh lý mạn tính, 2 bệnh lý phòng được bằng tiêm chủng.
Y tế cơ sở có thể giúp giảm 30% nội trú
Nghiên cứu sử dụng chỉ số chính là tỷ suất NTCTPT (nội trú có thể phòng tránh) theo công thức tổng số lượt nhập viện đối với một nhóm “nhạy cảm với điều trị ngoại trú x 10.000 và chia cho tổng số người tham gia BHYT. “Phân tích về NTCTPT không phải là nghiên cứu đánh giá việc nhập viện có đúng hay không vào thời điểm bệnh nhân đến BV, đây là phương pháp đo lường để đánh giá khả năng giảm nhập viện bằng dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả”- chuyên gia lưu ý.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 30% các trường hợp nhập viện nội trú của Việt Nam trong năm 2019 là có thể dự phòng được, thông qua tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng hiệu quả. Kết quả còn cho thấy, tỷ suất NTCTPT tăng liên tục từ 2017 đến 2020. Điều này dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ chi BHYT cho các trường hợp nội trú tránh được cũng tăng đều qua các năm (tiến hành nghiên cứu); tỷ lệ đồng chi trả (bằng tiền túi) của người dân ở các trường hợp nội trú tránh được cũng gia tăng tương ứng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại TYT phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Theo bà Hương, tỷ suất NTCTPT theo tỉnh có thể là chỉ số kết quả chính đánh giá tính hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tỉnh đó. “Phân tích về tính công bằng của tỷ suất NTCTPT ở nhiều quốc gia đã giúp xác định những địa bàn khó khăn, hoặc những nhóm dễ bị tổn thương có tỷ suất NTCTPT cao nhất. Qua đó giúp tập trung nguồn lực cho những can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu ưu tiên. Ở Việt Nam, không có sự khác biệt về tỷ suất NTCTPT giữa các nhóm ở nam giới. Tuy nhiên tỷ suất này cao hơn ở nhóm nữ giới nghèo so với các nhóm khác. Điều này cho thấy, phụ nữ nghèo ở Việt Nam còn ít cơ hội tiếp cận y tế...”- chuyên gia phân tích.
Tại Hội thảo, chuyên gia y tế cao cấp của WB tại Việt Nam đã đưa ra các kết luận đáng chú ý liên quan đến nghiên cứu. Thứ nhất, BHXH Việt Nam đã có định hướng áp dụng tỷ suất NTCTPT định kỳ và tiếp tục hoàn thiện phương pháp. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng bắt đầu phân tích theo Việt Nam. Phân tích thường quy về NTCTPT hiện là một phần của hệ thống chỉ số sức khỏe và trách nhiệm giải trình ở một số quốc gia như Úc, Mỹ, Anh, Canada, New Zealand…
Thứ hai, chi phí cho tính toán tỷ suất NTCTPT là rất thấp do dựa hoàn toàn vào số liệu sẵn có. Thứ ba, có thể sử dụng tỷ suất này như là một chỉ số kết quả hoạt động chính (chứ không phải là chỉ số đầu ra) của hệ thống y tế theo tỉnh, thậm chí là theo huyện. Thứ tư, kết quả nghiên cứu có thể giúp xác định các can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu ưu tiên, theo tuổi, giới, nhóm khó khăn, nhóm nhạy cảm với điều trị ngoại trú…
Đỗ Bá