Thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 29/5, các ĐBQH kiến nghị, cần tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành Y tế theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; tổ chức hoạt động của Trạm Y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng", ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đánh giá cao công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định để kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)
Đồng thời, ĐB Nguyễn Văn Huy cũng ghi nhận, y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần vào thành công của công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả...
“Tuy nhiên, qua Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở. Trong đó, có nguyên nhân do thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi, nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã”- ĐB Nguyễn Văn Huy khẳng định.
Cùng quan điểm, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, còn có sự chưa thống nhất giữa các tỉnh về mô hình hoạt động và công tác quản lý Trung tâm Y tế huyện. Bởi, hiện nay có nơi sáp nhập Trung tâm Y tế với BV huyện, nhưng cũng có nơi không sáp nhập. Bên cạnh đó, cả nước vẫn còn 2/63 tỉnh, thành phố vẫn giữ mô hình Trung tâm DD-KHHGĐ.
Về công tác quản lý, Thông tư số 37/2021/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định 2 cơ quan có thẩm quyền quản lý Trung tâm Y tế huyện gồm: Sở Y tế và UBND cấp huyện. Việc giao Trung tâm Y tế huyện cho Sở Y tế quản lý đã phát huy được sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý của một đầu mối trong tỉnh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động, thuận lợi cho điều hành, bố trí nhân lực.
Quốc hội thảo luận về chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng
Theo đó, nếu giao Trung tâm Y tế huyện cho UBND huyện quản lý sẽ thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp y tế cơ sở, nhưng lại không bảo đảm về quản lý chuyên môn cũng như linh hoạt trong công tác tổ chức bố trí cán bộ trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Mục 9, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng giao UBND cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao Sở Y tế quản lý về chuyên môn, tổ chức.
ĐB Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng, cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ và tổ chức hệ thống Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Tổ chức hoạt động của Trạm Y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng; gắn hoạt động của y tế học đường với Trạm Y tế xã.
Cũng quan tâm đến y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, tỷ lệ KCB BHYT tại y tế cơ sở là khoảng 75%, thì tỷ trọng chi KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tại y tế xã chỉ khoảng 1,7%. Điều này cho thấy, y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Về y tế dự phòng, đã có một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi NSNN dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm, nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
“Tỷ lệ nêu trên là không thể bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, đặc biệt là Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin giảm liên tiếp từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022. Không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân”- ĐB Nam nhấn mạnh.
Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành Y tế theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW. Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và Chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng. Trong đó, trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, bảo đảm tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Vũ Thu