Sáng 29/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2019 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Thực trạng công tác thông tin đối ngoại ngành BHXH Việt Nam và đề xuất kế hoạch thông tin đối ngoại năm 2020-2025. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Trần Thị Thu Trà- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Chủ nhiệm Đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài là nhằm hệ thống hoá lý luận và thực tiễn công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2018- 2020, từ đó đề xuất xây dựng kế hoạch TTĐN ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025. “Đề tài nghiên cứu một số vấn đề chung về TTĐN, kinh nghiệm thực hiện của một số quốc gia và bộ, ngành, từ đó phân tích, làm rõ yêu cầu đặt ra đối với công tác TTĐN của ngành BHXH Việt Nam. Đồng thời đánh giá thực trạng công tác TTĐN của ngành BHXH, làm rõ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế. Qua đó, đề xuất những nội dung cơ bản của kế hoạch TTĐN ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới”- bà Trần Thị Thu Trà nói.
Theo nghiên cứu, hiện nay BHXH Việt Nam đã thành lập hệ thống cán bộ đầu mối TTĐN của Ngành; hoàn thiện thiết kế, xây dựng đưa vào sử dụng Cổng TTĐT tiếng Anh nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện cho các nhóm đối tượng. Triển khai kịp thời, hiệu quả các tuyến tin bài truyền thông hoạt động của lãnh đạo Ngành về TTĐN; thông tin trực tuyến, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực trong nước và quảng bá, giới thiệu BHXH Việt Nam ra cộng đồng quốc tế; chủ động triển khai kênh đối thoại trực tiếp với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc tổ chức các Hội nghị đối thoại...
Bằng việc quan tâm, đẩy mạnh công tác TTĐN, theo đó, trong những năm qua, công tác TTĐN của Ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đơn cử như, giúp lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ đầu mối công tác TTĐN được biết về chủ trương công tác TTĐN; cán bộ đầu mối làm công tác TTĐN có năng lực và kỹ năng đa dạng; đội ngũ cán bộ làm công tác TTĐN tham gia từ 5-10 hoạt động TTĐN mỗi năm...
Đáng chú ý, thực hiện khảo sát đại diện DN có vốn đầu tư nước ngoài về hiệu quả thực hiện công tác TTĐN cho thấy, 82% DN được khảo sát đã biết BHXH Việt Nam hiện đang thực hiện 3 chính sách lớn là BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; 75,92% đã biết các thông tin về chính sách BHXH...
Nhóm nghiên cứu cũng đã nêu ra một số hạn chế đối với công tác TTĐN hiện nay như: số lượng cán bộ chuyên trách lĩnh vực sắc sảo về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, có tầm nhìn quốc tế, viễn kiến sâu rộng để đánh giá nhanh, chính xác tình hình, đưa ra đối sách tương ứng còn hạn chế; nội dung và hình thức tuyên truyền còn hạn chế. Theo khảo sát năm 2021, khoảng gần 40% đánh giá mức độ thông tin, tuyên truyền đối ngoại phổ biến chủ trương, chính sách ASXH ở mức độ thỉnh thoảng, gần 3% thấy không hiệu quả; công tác thông tin nói chung và TTĐN trên mạng xã hội của Ngành, đặc biệt là nền tảng phổ biến như Facebook, chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, sự tương tác trực tuyến chưa cao.
Để khắc phục hạn chế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp cho công tác TTĐN trong thời gian tới như giải pháp về chính sách, về thông tin truyền thông, tổ chức bộ máy hoạt động, xây dựng nguồn nhân lực, về tài chính và cơ sở vật chất. Theo đó, công tác TTĐN của ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục được thực hiện trên cơ sở đổi mới tư duy, sáng tạo, phổ biến đầy đủ và rộng khắp tới các nhóm đối tượng nhất là đối tượng mục tiêu của TTĐN; đa dạng các kênh TTĐN chính thức, phát triển các hình thức TTĐN bằng tiếng nước ngoài; tăng cường phối hợp, kết nối giữa BHXH với các bộ, ban, ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác TTĐN; cán bộ làm công tác TTĐN được đào tạo bài bản, có kiến thức đầy đủ và kỹ năng nhuần nhuyễn trong triển khai công tác TTĐN; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác TTĐN trong hệ thống BHXH Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra đề xuất thực hiện nhiệm vụ TTĐN trong thời gian tới như: Thành lập bộ phận chuyên trách công tác TTĐN của Ngành, làm đầu mối phụ trách tham mưu, cố vấn, hoạch định chính sách thông tin của toàn Ngành, đồng thời phụ trách triển khai hoạt động TTĐN; xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động TTĐN có tính chiến lược trong 10 năm, chia làm chu kỳ 5 năm một lần; xây dựng, tổ chức kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TTĐN hằng năm...
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc trong tổ chức thực hiện Đề tài của nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã nêu ra được những vấn đề chung, đặc trưng cũng như vị trí, vai trò của TTĐN; đồng thời đưa ra được các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhà nước, các quy định hiện hành; chỉ ra được kinh nghiệm công tác TTĐN của quốc tế và của các bộ, ngành trong nước gần với công tác ASXH như Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ LĐ-TB&XH...
Tuy nhiên, để đề tài hoàn thiện, mang tính khoa học cao, nhóm nghiên cứu cần đưa ra được cụ thể tính cấp thiết của đề tài; có đánh giá cụ thể về xây dựng nguồn nhân lực, phân tích rõ nét hơn nữa kết quả khảo sát cho phù hợp với thực tiễn; khả năng đáp ứng, năng lực tổ chức thực hiện của ngành BHXH Việt Nam cũng như dự báo phương án tiếp cận trong tương lai; khảo sát gắn sâu với nội dung nghiên cứu; các giải pháp, kế hoạch cần có những biện pháp cụ thể.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. “Đây là một đề tài khó và phức tạp nhưng là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc kế thừa các phương pháp đang thực hiện. Đồng thời, đưa ra được các kế hoạch, đề xuất cơ bản đối với công tác TTĐN ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nói.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng như: Cần làm sắc nét, nổi bật hơn tính cần thiết của Đề tài; bổ sung các khai niệm về TTĐN; cần hoàn thiện, đưa ra được vấn đề nội dung TTĐN làm nền tảng đưa ra các giải pháp, kế hoạch TTĐN; tiếp tục làm sắc nét thêm tập trung một số nội dung để đưa ra được các giải pháp, các yếu tố công cụ hoạt động hiệu quả...
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua trên cơ sở Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung theo đề xuất của các thành viên Hội đồng đưa ra. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị.
Thủy Hà