Ngày 23/6, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2020 (BHXH Việt Nam) đã họp tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học Đề xuất hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện chế độ ốm đau, thai sản ở Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ThS.Bùi Thị Kim Loan- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, chế độ ốm đau, thai sản là chính sách ASXH mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nhằm đảm bảo thu nhập cho người tham gia BHXH tạm thời bị gián đoạn do phải nghỉ việc vì ốm đau, thai sản… hai chế độ này có tác dụng to lớn không chỉ đối với NLĐ, gia đình mà còn với người SDLĐ. Theo số liệu, năm 2020, toàn quốc có hơn 1,83 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ thai sản, trên 7,4 triệu lượt người được hưởng chế độ ốm đau. “Có thể thấy, chế độ ốm đau, thai sản đã góp một phần không nhỏ trong việc ổn định đời sống của NLĐ, góp phần đảm bảo ASXH đất nước”- bà Loan nói.
Tuy nhiên, chủ nhiệm Đề tài cũng chia sẻ, từ năm 2016, Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành, sau 5 năm thực hiện, đã có những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Đơn cử như đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản chưa được mở rộng nên chưa khuyến khích được NLĐ tham gia BHXH tự nguyện; Quy định của chính sách còn nhiều cách hiểu khác nhau; quy định của chính sách còn hạn chế về quyền lợi người tham gia; quy định mức đóng hưởng chưa phù hợp tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản còn xảy ra dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện 2 chế độ này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như chưa thực hiện được giám định điện tử 100% trong công tác giải quyết; chưa liên thông đầy đủ dữ liệu từ cơ sở KCB với BHXH; việc đối soát chứng từ, dữ liệu giữa các đơn vị liên quan còn hạn chế…
“Trước sự phát triển kinh tế, xã hội, cùng những bất cập vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, trên nền tảng ứng dụng CNTT của ngành BHXH và thực hiện giám định điện tử. liên thông cơ sở dữ liệu trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, cần thiết phải nghiên cứu để đưa ra được những giải pháp đột phá trong công tác thực hiện chính sách BHXH về 2 chế độ này trong thời gian tới, đồng thời phục vụ công tác xây dựng Luật Sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW và đảm bảo ASXH trong dài hạn”- ThS.Bùi Thị Kim Loan nhấn mạnh.
Để đưa ra được các đề xuất hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện chế độ ốm đau, thai sản ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện 2 chính sách này. Đồng thời nêu ra các quy định của chính sách và tổ chức thực hiện chính sách tại Việt Nam. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với 525 đối tượng là viên chức làm việc tại BHXH địa phương về “Quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản có phù hợp không” thì 99,6% cho rằng chưa phù hợp. Trong khi đó, cùng câu hỏi này dành cho đối tượng là NLĐ tại DN thì có 57,3% cho rằng phù hợp và 43,7% cho rằng không phù hợp. Đối với khảo sát về điều kiện ốm đau thì có đến 81,33% cán bộ BHXH tại địa phương được khảo sát cho rằng chưa phù hợp…
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, chính sách mở rộng, quyền lợi của tham gia BHXH được tăng thêm nhưng đồng nghĩa với việc số tiền chi trả cho NLĐ từ quỹ BHXH cũng tăng thêm. Qua tổng hợp cho thấy, tỷ lệ sử dụng quỹ ốm đau, thai sản có chiều hướng tăng cao… Trên cơ sở đánh giá chính sách và tổ chức thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về chế độ này và định hướng sửa đổi quy trình giải quyết hưởng và đưa ra các kiến nghị đề xuất với các Bộ, ngành có liên quan. Trong đó có các giải pháp hoàn thiện chính sách như giải pháp mở rộng đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; giải pháp sửa đổi, bãi bỏ các quy định bất cập trong quy định hiện hành, bổ sung các quy định đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia; giải pháp ngăn chặn trục lợi quỹ ốm đau, thai sản.
Đối với nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp sửa đổi quy trình giải quyết hưởng và chi trả chế độ ốm đau, thai sản; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giair quyết hưởng chế độ thông qua chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, giao dịch điện tử, liên thông cơ sở dữ liệu…
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí cao với kế cấu chặt chẽ, logic của Đề tài; đồng thời đánh giá Đề tài này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ, là một nguồn dữ liệu quý phục vụ đắc lực cho những nghiên cứu về sau. Cùng với đó, Đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ thiết thực cho việc hoạch định và ban hành các chính sách trong tương lai.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài như phân tích kỹ hơn những số liệu có được từ khảo sát; đóng góp từ những kinh nghiệm quốc tế gắn với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời có những phân tích rõ nét cụ thể về sự nhân văn, chia sẻ trong tổ chức chính sách ASXH tại Việt Nam; phân định rõ giữa hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện…
Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, đây là một đề tài đang được quan tâm và Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng mang ý nghĩa thực tiễn lớn, là cơ sở góp một phần tiếng nói trong hoàn thiện chính sách BHXH trong những năm tới”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua Đề tài. “Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị.
T.Hà