Tỉnh Nam Định là một trong những địa bàn sớm đạt chỉ tiêu được giao năm 2023 về bao phủ BHYT. Trong đó, Giao Thủy đang là địa bàn cấp huyện đạt thành tích tốt nhất về số dân tham gia BHYT.
Giao Thủy là huyện có vị trí cách xa tỉnh lỵ Nam Định nhất. Đây vốn là một trong huyện thuần nông đặc trung của khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng; người dân hầu như không có nghề phụ, thu nhập hoàn toàn trông chờ vào nông nghiệp trồng lúa. Chính vì vậy nên vận động BHXH tự nguyện hay BHYT hộ gia đình với người dân Giao Thủy gặp khá nhiều khó khăn.
Cán bộ cơ quan BHXH huyện Giao Thủy đến trực tiếp hộ gia đình vận động tham gia BHXH, BHYT
“Tại Nam Định, trong số các cơ quan BHXH cấp huyện, BHXH huyện Giao Thủy cũng là đơn vị đang có số biên chế ít nhất, với 13 cán bộ, bao gồm cả lao động hợp đồng lái xe, tạp vụ. Bình quân 1 cán bộ của cơ quan BHXH tại đây phải chuyên quản theo dõi khoảng 12.900 người tham gia BHXH, BHYT”, ông Đỗ Việt Hùng chia sẻ khi được hỏi về đặc điểm tình hình công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn.
Phải đối mặt với nhiều khó khăn, song Giao Thủy lại đang là một trong những địa bàn huyện có thành tích phát triển BHYT tốt nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định. Cụ thể, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 97,21% tương đương với 167.869 người dân tham gia.
Phân tích kỹ hơn về cơ cấu tham gia, Lãnh đạo BHXH huyện Giao Thủy cũng cho biết, hiện nhóm tham gia theo diện hộ gia đình và hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiêp có mức sống trung bình có số tham gia lớn nhất, tương ứng lần lượt là khoảng 18.100 và 39.840 người. Bên cạnh đó là nhóm HSSV, có khoảng 31.970 em tham gia BHYT.
“Đây là các nhóm luôn được BHXH huyện tập trung khai thác, đảm bảo tỷ lệ tham gia BHYT đạt cao nhất”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, từ đầu năm 2023, đến nay, số tham gia BHYT trên địa bàn huyện bị giảm khá mạnh do số hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo khá lớn (khoảng 5.000 người). Để bù lại số giảm đi, BHXH huyện phải tăng cường vận động tham gia BHYT với các nhóm còn lại, nhất là nhóm BHYT hộ gia đình và BHYT với hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Điểm mạnh và cũng là lợi thế tại huyện Giao Thủy là hệ thống Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT trên địa bàn đã được xây dựng hoàn chỉnh, chất lượng hoạt động tương đối ổn định. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND huyện rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo về BHXH, BHYT tại các cuộc họp giao ban hằng tháng của huyện cũng như các cuộc họp BCĐ. Hiện, UBND huyện cũng đã chỉ thành lập BCĐ đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đồng thời, giao chỉ tiêu đến tận các thôn, xóm, tổ dân phố - ông Hùng cho hay.
Khá ấn tượng với thành tích bao phủ BHYT đến 97% dân số, song lãnh đạo BHXH huyện Giao Thủy cũng nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ngoài các nhóm đối tượng như vừa nêu, dư địa phát triển BHYT tại Giao Thủy còn lại cũng không quá nhiều. Đơn cử như nhóm tham gia BHYT tại các đơn vị SDLĐ, qua nửa đầu năm 2023, số chênh lệch so với năm 2022 chỉ khoảng 50 người.
“Trong bối cảnh này, chúng tôi phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, không được chủ quan. BHXH huyện cũng đã chỉ đạo các cán bộ chuyên quản phải theo sát tình hình thực tế, nắm chắc số đối tượng thuộc diện tham gia, từ đó triển khai các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cần nói thêm, theo thông tin từ BHXH tỉnh Nam Định, BHXH huyện Giao Thủy cũng đang là đơn vị triển khai tốt công tác thu; tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện được duy trì ở mức khá thấp - chiếm 1,09% so với số phải thu.
Minh Đức