Từ chỗ là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước, đến nay Ninh Thuận thuộc nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, là địa phương có nền kinh tế đứng thứ 31/63 tỉnh, thành.
Bước chuyển mình của tỉnh nghèo
Nói đến tỉnh Ninh Thuận với “thủ phủ” là TP.Phan Rang, nhiều người liên tưởng đến vùng đất “gió như phang, nắng như rang”, cho thấy sự khắc nghiệt kinh khủng của điều kiện khí hậu nơi đây. Ninh Thuận còn có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, bốc hơi mạnh, độ mặn nước biển cao; tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s). Ngoài ra, số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước với cường độ bức xạ khá lớn. Chính vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã khiến Ninh Thuận rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây Ninh Thuận đã tận dụng rất tốt điều kiện thiên nhiên của mình để có bước phát triển kinh tế, xã hội ngoạn mục.
Nho là cây trồng đặc trưng của Ninh Thuận
Ông Phạm Văn Hậu- Phó Bí Thư thường trực tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết địa phương đã phát huy những điều kiện riêng của mình. Ninh Thuận hội tụ tiềm năng, lợi thế đặc thù khác biệt, là địa bàn có điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng tái tạo, và trung tâm sản xuất muối lớn nhất cả nước. Khí hậu khô hạn còn tạo cho Ninh Thuận phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao, sản xuất được quanh năm. Đặc biệt là cây nho, thịt gia súc (bò, dê, cừu)... được trồng, chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, với vùng lãnh hải rộng hơn 18.000 km2 thuộc vùng nước trồi duy nhất của cả nước, Ninh Thuận có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển và là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù.
Theo ông Phạm Văn Hậu, trong những năm qua, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh vẫn duy trì ổn định, kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng; tiềm năng, lợi thế được nhận diện rõ, đánh giá đúng và bước đầu khai thác có hiệu quả; quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể. Trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, Ninh Thuận đều nằm trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (2019 đạt 13,9%, 2020 đạt 10,02%, 2021 đạt 10,27% thứ tư cả nước), vị thế của tỉnh được nâng lên, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất cả nước đến nay đã vươn lên đứng thứ 31/63 tỉnh, thành và đứng thứ 8/14 các tỉnh duyên hải miền Trung.
Kinh tế, xã hội của Ninh Thuận có nhiều nét đột phá
Đến năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Ninh Thuận đạt 76,8 triệu đồng, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đạt 7,95% (xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung). Các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, khai khoáng, dịch vụ, du lịch đã phục hồi và tăng trưởng cao.
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng kết nối tại Ninh Thuận được quan tâm đầu tư như kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná với cao tốc Bắc- Nam; đường giao thông liên vùng lên Lâm Đồng và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Hạ tầng thủy lợi cũng được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu, đến nay đã đầu tư hoàn thành 22 hồ chứa với tổng dung tích 520 triệu m3 bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất… Ninh Thuận hiện có 7 đơn vị hành chính, Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh cách Sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 60 km; gần các trung tâm kinh tế, du lịch lớn của cả nước (TP.HCM, TP.Nha Trang, TP.Đà Lạt) là điều kiện hết sức thuận lợi để giao lưu, liên kết hợp tác đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực với quốc tế và các địa phương khác trong cả nước. Ngoài ra, Ninh Thuận có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế biển trong thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị; chiến lược bảo vệ quốc phòng và an ninh trên biển của Tổ quốc, là cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội của địa phương cũng có nhiều tiến bộ, công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện.
Phát triển năng lượng sạch
Sau khi Quốc hội tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016, dựa trên tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và xác định đây là một trong những ngành kinh tế trụ cột của địa phương.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 63 dự án năng lượng/3.630 MW, với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có tổng số 56 dự án hoàn thành hòa lưới điện Quốc gia với tổng công suất gần 3.400 MW. Các dự án điện năng lượng tái tạo hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đã khai thác tối ưu công suất, tạo ra giá trị gia tăng đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh; là một trong ba trụ cột kinh tế của địa phương (cùng với du lịch và nông nghiệp), đưa tỉnh Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua. Ngành năng lượng tái tạo đã tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác như bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ...
Điện gió là thế mạnh của Ninh Thuận
Tại Ninh Thuận, việc phát triển các dự án năng lượng đã phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không phát triển được nông nghiệp trước đây. Trước đây các vùng đất hoang hóa, giá trị sản xuất hàng năm khoảng 10 triệu/ha, khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời đã đạt giá trị khoảng 3,84 tỷ đồng/ha. Hơn thế phát triển năng lượng tái tạo làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than), góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động của địa phương; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Đến nay tổng tỷ trọng ngành năng lượng chiếm 22,3% GRDP và chiếm 61,8% trong ngành công nghiệp- xây dựng của tỉnh.
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển 5 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng bao gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Lễ hội Nho– vang Ninh Thuận 2023
Cuối năm 2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022.
Theo đó, Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Nho và Vang đồng thời tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, cảnh quang thiên nhiên và các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Đặc biệt, tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, làm rõ sự khác biệt mang tính đặc trưng của nho Ninh Thuận; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng nho, người sản xuất, người tiêu dùng với các sản phẩm chế biến từ nho.
Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho -Vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13/6/2023 đến ngày 18/6/2023. Trong thời gian tổ chức lễ đón Bằng công nhận và lễ hội sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sổi nổi, đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng, khác biệt của địa phương, như: Hội chợ Công thương khu vực Nam Trung Bộ- Ninh Thuận 2023; lễ hội ẩm thực; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố…
Trà Giang