Tình hình kinh tế vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu khó khăn, khi trong 5 tháng đầu năm 2023, tính trung bình mỗi tháng có 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; đồng thời có 17.600 DN rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, trong tháng 5/2023, cả nước có hơn 12 nghìn DN thành lập mới, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời có 5.952 DN quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại, trong tháng 5 có 5.364 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.717 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.223 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 95.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường là 88.000 DN (55.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 DN hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bức tranh xuất nhập khẩu cũng không cho thấy nhiều chỉ số lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.
Một trong những điểm tích cực hiếm hoi là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tuy nhiên, dù ngành du lịch (ngành nghề bị ảnh hưởng lớn nhất trong dịch Covid-19) được đánh giá đang phục hồi lại, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 giảm 6,9% so với tháng trước, ước đạt 916,3 nghìn lượt người. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019- năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thu NSNN 5 tháng đầu năm ước giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi, chi ngân sách ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, lũy kế tổng thu NSNN 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769.600 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm. Trong chiều ngược lại, 5 tháng đầu năm 2023 chi ngân sách ước đạt 653.100 tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Điểm sáng vẫn được duy trì trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đó là tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 5 tiếp tục được cải thiện. Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu, trong đó hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán là 16,9 nghìn tấn gạo, hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 hơn 1,3 nghìn tấn gạo…
Thái An