Tại TP.Đà Nẵng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Hội LHPN TP.Đà Nẵng và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tọa đàm nghiên cứu phương án thêm chế độ thai sản trong hệ thống ASXH của Việt Nam.
Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận về thực trạng tình hình tham gia BHXH và khoảng trống bao phủ BHXH hiện nay; các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tại địa phương và kết quả thụ hưởng đầy đủ chế độ thai sản của NLĐ; các chính sách của tỉnh, thành phố hỗ trợ cho người dân liên quan đến thai sản và bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Cùng với đó, chỉ ra hệ lụy của việc thiếu chế độ thai sản cho phụ nữ và NLĐ; kiến nghị, đề xuất các phương án thêm chế độ thai sản.
Bà Đàm Thị Vân Thoa- Trưởng ban Chính sách- Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Chế độ thai sản là một trong những nội dung quan trọng trong đảm bảo sức khỏe, phúc lợi cho bà mẹ, trẻ em và hộ gia đình cũng như tạo cơ hội và đối xử bình đẳng của lao động nữ. Mặc dù chế độ thai sản của Việt Nam thuộc một trong những chính sách ưu việt nhất trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng, tuy nhiên diện bao phủ còn thấp do chế độ này chỉ áp dụng đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.
Số liệu cho thấy, nhiều phụ nữ, đặc biệt các nhóm lao động ở khu vực nông thôn và việc làm phi chính thức chưa được hưởng chế độ thai sản hay các trợ cấp hỗ trợ liên quan đến thai sản là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hoặc không có khả năng tham gia BHXH. Trong khi đó, đây lại là nhóm lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức ILO năm 2019, chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, còn một lực lượng lao động đáng kể trong xã hội không trong diện tham gia BHXH bắt buộc và chưa tham gia BHXH tự nguyện, đồng nghĩa với số lượng lớn lao động chưa được bảo vệ thai sản.
Đại diện Hội LHPN TP.Đà Nẵng thông tin: Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà hiện người tham gia BHXH bắt buộc đang được hưởng (bao gồm cả lao động nam và nữ) trong quá trình thai sản từ khi khám thai đến khi nuôi con nhỏ. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con. NLĐ thuộc một trong các trường hợp sau sẽ được hưởng chế độ thai sản: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; NLĐ nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; NLĐ nam đang đóng BHXH có vợ sinh con. Có thể thấy chế độ thai sản đang chăm lo khá toàn diện quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con. Vì vậy nếu mở rộng chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện sẽ là bước ngoặt quan trọng, thu hút được người dân tham gia BHXH ngày càng nhiều.
Trước những quan điểm trên, tại Toạ đàm, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động từ nguồn lực xã hội; chế độ chính sách hỗ trợ phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ sau sinh, chính sách thai sản cho người khuyết tật…
Tại TP.Đà Nẵng, tính đến hết tháng 2/2023, toàn thành phố có 254.345 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 43,67% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đạt 12.811 người, chiếm tỷ lệ 2,2% trên lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong năm 2022, có 20.509 lượt người (giảm 20,80% so với năm 2021) được hưởng chế độ thai sản với số tiền gần 260 tỷ đồng (giảm 26,32% so với năm 2021).
Lê Văn