Khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là những nhóm yếu thế khi họ không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới
Tại Hội thảo “Thành phố thông minh không rào cản cho NKT” vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Viện Đô thị thông minh và quản lý- ISCM (thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) phối hợp cùng Bộ KH-CN và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NATEC) tổ chức, nhiều chuyên gia đều chung nhận định: Các đô thị và cộng đồng thông minh ngày càng trở nên phổ biến, theo đó người dân sống trong các cộng đồng này được hưởng vô vàn tiện ích thông minh và mở rộng các cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời làm gia tăng những nguy cơ bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt đối với những nhóm yếu thế, trong đó bao gồm nhóm NKT, khi họ không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới.
Bà Nguyễn Phương Linh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Trưởng Làng Sáng tạo mở xã hội- Techfest 2023 chia sẻ: “Chúng ta nói đến công nghệ- thành phố thông minh, không có nghĩa chỉ tập trung vào công nghệ thông minh, mà điều quan trọng hơn là để phục vụ con người, đảm bảo con người được an toàn, được phát triển bền vững và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau".
Theo bà Phương Linh, Việt Nam có nhiều NKT, nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến họ khó tiếp cận và tham gia các dịch vụ công cộng, đời sống kinh tế-xã hội. Những rào cản này có thể được xoá bỏ phần nào và giảm thiểu nếu chúng ta sử dụng phương pháp thành phố thông minh phù hợp, nơi kết nối tất cả các bên liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, DN, tổ chức xã hội, viện trường... để thiết kế, phát triển các ứng dụng, các phương thức để phục vụ cho mọi người, bao gồm NKT, trẻ em, người già, phụ nữ có thai... tức là công nghệ bao trùm dành cho tất cả mọi người.
Thực tế công nghệ kỹ thuật của thành phố thông minh hiện nay có thể bao gồm các công nghệ kỹ thuật hiện đại như: Ứng dụng di động, cảm biến thông minh, hệ thống giao thông thông minh, thiết bị hỗ trợ thông minh. “Công nghệ đóng vai trò quan trọng để NKT tiếp cận cơ sở vật chất và dịch vụ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, kể cả những công nghệ đơn giản nhất cũng có thể không dễ dàng được sử dụng và tiếp cận được tới các đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm NKT”- các chuyên gia lưu ý.
Hiện đang có nhiều giải pháp, phương pháp và ứng dụng đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp được giới thiệu cho NKT như: Giải pháp di chuyển cho người khiếm thị, giải pháp vật liệu và lắp đặt lát đường hướng dẫn cho người khuyết tật, ứng dụng mua sắm cho người khuyết tật, ứng dụng bàn phím thông minh, sách và phần mềm giọng nói, chi giả...
Tuy nhiên, như nhận định của bà Hooyung Young- Phó Chủ tịch Tổ chức United Way Worldwide phụ trách khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản: “Các đổi mới sáng tạo, các nỗ lực dù có hay đến mấy nhưng nếu không tiếp cận được người dùng, đặc biệt là NKT, thì cũng không có tác dụng gì cả. Tinh thần đổi mới sáng tạo, thành tựu khoa học công nghệ phục vụ con người sẽ luôn cần đi đôi cùng sự đoàn kết, hợp tác của các bên liên quan, cả hệ sinh thái để tạo nên sự thay đổi, đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm”.
Trước những vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại, việc chú trọng và quan tâm hỗ trợ các nhóm yếu thế là một mục tiêu thiết yếu, cần được sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía. Do đó, Hội thảo này cũng là một trong hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam và chuỗi hoạt động của Làng Sáng tạo mở xã hội thuộc TechFest Việt Nam 2023, nhằm kết nối NKT với các tổ chức liên quan gỡ bỏ mọi rào cản đến nhóm dân cư yếu thế này...
Thái An