Chiều 10/8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã làm việc với Sở Y tế Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2019-2021 và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Chính sách BHYT được quan tâm
Báo cáo với Đoàn, đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành theo quy định của Luật BHYT, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ sở KCB và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác tuyên truyền về chính sách BHYT bằng nhiều hình thức; đồng thời tham mưu cho tỉnh có chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng tham gia BHYT. Từ đó, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, số người tham gia BHYT tăng dần, tiến nhanh tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đáng chú ý, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17 về hỗ trợ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; bình quân mỗi năm tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ cho khoảng 300.000 người với tổng số tiền đã hỗ trợ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021 là 271,34 tỷ đồng...
Còn theo báo cáo của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền cũng như sự nỗ lực của mỗi cán bộ BHXH, số người tham gia BHYT trên địa bàn Vĩnh Phúc không ngừng gia tăng. Trong giai đoạn 2019-2021, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Vĩnh Phúc luôn vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Cụ thể: Năm 2019, có 1.028.029 người tham gia, tăng 35.511 người so với năm 2018 và đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Năm 2020 có 1.071.684 người tham gia, tăng 43.655 người so với năm 2019 và đạt tỷ lệ bao phủ 91,5% dân số. Năm 2021 có 1.108.124 người tham gia, tăng 36.440 người so với năm 2020 và đạt tỷ lệ bao phủ 93,4% dân số.
Tuy nhiên, đến hết năm 2021, toàn tỉnh còn khoảng 77.876 người chưa tham gia BHYT (chiếm 6,6% dân số) tập trung ở 3 nhóm đối tượng. Cụ thể: Nhóm NLĐ và chủ SDLĐ đóng còn 10.210 người chưa tham gia, chiếm 4,4% trên tổng số đối tượng thuộc diện tham gia. Nhóm HSSV còn 8.230 người chưa tham gia, chiếm 3,4% trên tổng số đối tượng thuộc diện tham gia. Nhóm hộ gia đình còn 59.436 người chưa tham gia, chiếm 16,9% trên tổng số đối tượng thuộc diện tham gia.
“Các nhóm đối tượng này chưa tham gia do NLĐ làm việc trong các DN nhỏ, DN ngoài quốc doanh ở các lĩnh vực như: Dịch vụ, trang trại, xây dựng, lao động mùa vụ hoặc giao khoán nên luôn biến động. HSSV dù là đối tượng bắt buộc, nhưng theo quy định chỉ được hỗ trợ 30%, tỉnh hỗ trợ 20%, còn gia đình phải bỏ ra 50%- trong khi đầu năm học có nhiều khoản phải đóng góp. Mặt khác, nhiều hộ gia đình tuy không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo, nhưng lại khó khăn trong tham gia BHYT; một bộ phận người DTTS giảm tham gia theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; một số gia đình làm ăn xa, không có mặt trên địa bàn nên không thể vận động, tuyên truyền tham gia BHYT hộ gia đình”- báo cáo của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, ông Lê Văn Khảm- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, người dân sinh sống tại một số địa bàn không còn được hỗ trợ tham gia BHYT. "Số đối tượng bị ảnh hưởng bởi quyết định này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như thế nào? UBND tỉnh có chính sách gì hỗ trợ nhóm đối tượng này? Bên cạnh đó, số người tham gia BHYT hộ gia đình tại địa phương có mức đóng rất thấp, nên Sở Y tế đề nghị tăng mức đóng từ 4,5% lên 6% liệu có hợp lý?..."- ông Khảm nêu câu hỏi.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, Vĩnh Phúc còn 11 xã thuộc khu vực I, nên còn khoảng 44.000 người không được hỗ trợ BHYT. Sau khi rà soát phân loại những người tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, thì tỉnh còn khoảng 18.000 người bị ảnh hưởng quyết định này chưa tham gia BHYT. Do vậy, thời gian tới, Sở Y tế cùng BHXH tỉnh tham mưu trình UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân khu vực này tham gia BHYT.
Công tác tạm ứng, thanh quyết toán BHYT luôn đảm bảo kịp thời
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bích Liên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến rất phức tạp, nhưng BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB tạo điều kiện cho người bệnh BHYT được hưởng đầy đủ, kịp thời quyền lợi. Đáng chú ý, giá thuốc được thực hiện theo kết quả đấu thầu, không có hiện tượng tăng giá, thiếu thuốc cho người bệnh BHYT. Bên cạnh đó, việc thông tuyến tỉnh đối với điều trị nội trú đã tạo điều kiện tốt hơn cho người có thẻ BHYT, người bệnh được hưởng quyền lợi ở mức cao hơn. Mặt khác, thủ tục tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT được thực hiện đúng quy định, nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Kết quả: Năm 2019, quỹ BHYT đã chi thanh quyết toán KCB BHYT với tổng số tiền 1.273.180 triệu đồng, vượt 197.523 triệu đồng. Năm 2020 chi 1.175.407 triệu đồng, vượt 147.962 triệu đồng. Năm 2021 chi 1.151.883 triệu đồng, dự kiến kết dư 75.981 triệu đồng... “Quyền lợi của người có thẻ BHYT được mở rộng, giá dịch vụ y tế đã tăng trước so với tỷ lệ đóng BHYT. Do đó, nguy cơ mất cân đối thu chi của quỹ BHYT luôn hiện hữu”- bà Liên thông tin.
Theo ông Trần Văn Tiến- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, việc khảo sát nhằm mục đích xem chính sách, pháp luật BHYT đi vào cuộc sống ra sao, còn những vấn đề gì cần sửa đổi để hoàn thiện. Đồng thời, các ngành liên quan cần làm rõ công tác phối hợp giữa ngành Y tế và BHXH như thế nào, thủ tục thanh toán chi phí KCB BHYT có vướng mắc hay không?...
Tại buổi khảo sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc làm chất lượng và hiệu quả các cơ sở KCB trên địa bàn. Theo đó, trong số 331 cơ sở được cấp phép, có bao nhiêu cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH?... Nếu bức tranh này lớn, cung vượt quá cầu, thì chất lượng KCB có đảm bảo hay không? Bên cạnh đó, việc Sở Y tế đề xuất nâng mức đóng BHYT từ 4,5% lên 6% sẽ tác động rất lớn đến NSNN, vì Nhà nước mua BHYT cho các đối tượng tương đối lớn, chiếm đến 40%. Do đó, Sở Y tế cần làm rõ tác động của đề xuất tăng mức đóng BHYT, cũng như ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ ra sao?...
Ghi nhận kết quả tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và công tác phòng chống dịch Covid-19, Đoàn khảo sát đề nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ thêm các nội dung về việc tiếp cận dịch vụ y tế của bệnh nhân trong thời gian dịch Covid-19; việc giải quyết chế độ cho người tham gia phòng chống dịch; việc đặt hàng dịch vụ y tế công; trên địa bàn tỉnh xác định có bao nhiêu biến chủng Covid-19; việc giải trình tự gen; chế độ đặc thù dành cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch; công tác đấu thầu thuốc trên địa bàn tỉnh như thế nào; việc chuyển dịch nhân lực y tế từ công lập sang y tế tư nhân; chất lượng KCB của các cơ sở y tế tư nhân; dự kiến tỷ lệ tham gia BHYT năm 2022; có hay không tình trạng nợ BHYT trên địa bàn tỉnh…
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao kết quả Sở Y tế đạt được trong công tác phòng chống dịch và triển khai các cơ chế, chính sách cho người tham gia phòng chống dịch. Theo ông Mai, các kiến nghị của Sở Y tế sẽ được Đoàn khảo sát tổng hợp trong báo cáo để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Nguyệt Hà