Hiện nay, vi khuẩn đa kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng gây khó khăn trong điều trị, đây là vấn đề nhức nhối của cả cộng đồng. Nhiễm khuẩn đa kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn làm cho thuốc kháng sinh mất khả năng kiểm soát hoặc tiêu diệt, vi khuẩn kháng ít nhất với 2 nhóm kháng sinh trở lên.
Vi khuẩn đa kháng thuốc là một trong những thách thức lớn đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ vi khuẩn đa kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Những kháng sinh còn hoạt tính trên vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng hạn chế, một phần là do càng ngày càng có ít kháng sinh mới được nghiên cứu phát triển và con người bắt buộc phải quay lại với một số thuốc đã có từ lâu, như trường hợp của thuốc Colistin.
Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, do đó được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, vi khuẩn đã và đang tìm mọi cách chống lại kháng sinh để tồn tại và phát triển. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể tồn tại, thậm chí nhân lên ngay cả khi có kháng sinh. Hầu hết các vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể trở nên đề kháng với ít nhất một số loại kháng sinh. Còn vi khuẩn kháng từ 2 nhóm kháng sinh trở lên được gọi là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nếu vi khuẩn đề kháng với tất cả các kháng sinh gọi là vi khuẩn toàn kháng.
Trong thực tế lâm sàng, các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc như: Acinetobacter Baumannii kháng Carbapenem, Pseudomonas Aeruginosa kháng Carbapenem, Enterobacterales kháng Carbapenem, Enterococcus kháng Vancomycin… rất hay gặp tại các BV và bệnh nhân phải sử dụng những thuốc kháng sinh như là sự lựa chọn cuối cùng sau đây:
Trong bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết do A.Baumannii kháng Carbapenem (viết tắt là CRAB- Carbapanem-Resistant Acinetobacter Baumannii) phác đồ điều trị thay thế Carbapenem là sử dụng Colistin cùng với Imipenem/Cilastatin hoặc Meropenem. Các thầy thuốc cũng có thể dùng phác đồ Colistin phối hợp với Tigecyclin hoặc Sulbactam trong thời gian 10-14 ngày với hình thức đưa thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, kéo dài trên 3 giờ mỗi lần và ngày 3-4 lần với liều lựa chọn phù hợp với từng cá thể. Nên nhớ không dùng đơn độc một loại kháng sinh.
Nhiễm khuẩn P.Aeruginosa kháng Carbapenem thường có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân. P.Aeruginosa cũng là một trong những tác nhân hay gặp nhất trong viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết. Có thể cân nhắc phối hợp Aminoglycosid với các kháng sinh Penicillin hoặc Cephalosporin chống lại trực khuẩn mủ xanh, nếu vi khuẩn còn nhạy cảm trên kháng sinh đồ. Các thuốc lựa chọn là: Piperacillin/Tazobactam, Ceftazidim, Cefepim, Cefpirom, Levofloxacin hoặc Amikacin… Aminoglycosid đơn độc chỉ được chỉ định cho nhiễm khuẩn tiết niệu.
Thời gian điều trị khuyến cáo cho nhiễm khuẩn tiết niệu phức tạp và nhiễm khuẩn ổ bụng biến chứng là 7-10 ngày, thời gian điều trị khuyến cáo cho viêm phổi bệnh viện hoặc viêm phổi thở máy là 10-14 ngày. Thời gian điều trị chính xác nên được cá thể hoá theo vị trí nhiễm khuẩn, kiểm soát nguồn nhiễm khuẩn, bệnh nền và đáp ứng ban đầu với phác đồ điều trị.
Trong điều trị nhiễm khuẩn đa kháng thuốc, thấy nổi lên vai trò của Colistin như là một thuốc kháng sinh mới, vũ khí cuối cùng để chống lại vi khuẩn kháng thuốc. Thực ra, thuốc kháng sinh Colistin là một kháng sinh cũ được tìm ra năm 1949 và dần dần không được sử dụng cho người do độc tính cao với thận và sự ra đời của các kháng sinh thay thế khác an toàn hơn. Tuy nhiên, trước sự gia tăng mạnh mẽ của các bệnh lý nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn Gram âm siêu kháng thuốc như:
Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Acinetobacter baumannii, Klebsiella pneumoniae, E.Coli gây nhiễm trùng máu và viêm phổi ở người bệnh được thở máy tại các khoa hồi sức tích cực, thì loại thuốc này có thể được chỉ định trong một số trường hợp.
Colistin thuộc nhóm Polymyxin không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Để giảm nguy cơ độc tính khi dùng đường tiêm, Colistin được sản xuất ở dạng tiền thuốc Natri Colistin Methanesulfonat không có hoạt tính, hay còn được gọi là Natri Colistimethat. Sau khi vào cơ thể, tiền chất sẽ được thủy phân để tạo thành Colistin có hoạt tính.
Điều trị các nhiễm khuẩn đa kháng thuốc rất khó khăn, phức tạp, chi phí cao và đòi hỏi phải thận trọng trong lựa chọn thuốc. Phác đồ phối hợp kháng sinh nên dựa theo kháng sinh đồ và thuốc sẵn có tại địa bàn. Nguyên tắc điều trị là truyền kéo dài và phối hợp thuốc. Thời gian điều trị phụ thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn và đáp ứng lâm sàng tuy nhiên không dưới 10 ngày. Các trường hợp nhiễm khuẩn phức tạp đa kháng thuốc cần hội chẩn chọn thuốc phù hợp với thực tế lâm sàng.
ThS.Lê Quốc Thịnh